Người tiêu dùng lạc vào 'mê hồn trận' sữa (Bài 1)

author 13:16 21/10/2012

(VietQ.vn) - Nhằm giúp người tiêu dùng cả nước có cái nhìn đánh giá khách quan về thị trường sữa trong và ngoài nước, tuần này chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc các bài viết liên quan đến việc sử dụng, mua bán, lựa chọn các loại sữa cho phù hợp với lứa tuổi.

Bài 1: Những vụ sữa bẩn rúng động làm NTD hoang mang

Suốt thời gian qua, nhiều bà mẹ trẻ, gia đình, cụ ông, cụ bà và mọi người đều cảm thấy hoang mang trước các thông tin báo chí đưa phản ánh về tình trạng nhiều cơ sở sản xuất sữa nhái, bẩn tung hàng phân phối ra thị trường. Chất lượng sữa không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, trong sữa có đỉa, có vi khuẩn...Điều này đã khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất sữa chính hãng cũng lao đao vì những tin đồn thất thiệt. Sự thật của những tin đồn này như thế nào? người tiêu dùng mua, sử dụng sữa ra sao cho hợp lý với túi tiền, lứa tuổi. Chúng tôi xin giới thiệu tuyến bài "Người tiêu dùng lạc vào mê trận sữa" để bạn đọc có thể cảm quan toàn cảnh về sự việc.

Sữa Ba Vì “nhái” chứa khuẩn Ecoli

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội vừa chính thức công bố kết quả kiểm nghiệm và kết quả điều tra đối với vụ “sữa tươi Ba Vì” bị làm nhái được cơ quan chức năng phát hiện.
 
Trung tá Hà Thế Hùng, Đội trưởng Đội chống hàng giả và xâm phạm Sở hữu trí tuệ, Phòng PC46 Công an Hà Nội cho biết, Giám đốc Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì, ông Phùng Phương Nam đã thừa nhận công ty không được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa mang địa danh Ba Vì và việc sản xuất trái phép sữa tươi Ba Vì đóng chai loại 1 lít là vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác.
Sữa Ba Vì bị làm nhái
Sữa Ba Vì bị làm nhái
 
Đại diện đơn vị làm nhái nhãn hiệu sữa Ba Vì này cũng không xuất trình được với cơ quan chức năng giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sữa bột nguyên liệu, phụ gia để sản xuất các sản phẩm sữa và bánh sữa.
 
Kết quả giám định các mẫu sản phẩm sữa tươi Ba Vì bị làm nhái, do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện, cho thấy, có 3 mẫu sản phẩm của Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì không đạt chỉ tiêu về hàm lượng và chất lượng. Cụ thể, các mẫu “sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch không đường”; “sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch không đường” có hàm lượng protein sữa, hàm lượng lipit không đảm bảo tiêu chuẩn. 
 
Trước đó, cơ quan chức năng cũng kiểm tra các mẫu của Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì và phát hiện 2 mẫu sản phẩm là “Sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch” và “Sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch” có các chỉ tiêu về Coliforms và Ecoli cao gấp nhiều lần cho phép.
 
Sữa sản xuất tại Hà Lan bị nhiễm khuẩn 
 
Kế đó không lâu, cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế đã có thông tin cảnh báo về sản phẩm sữa sản xuất tại Hà Lan bị nhiễm khuẩn.
 
Theo Cục ATVSTP, thông tin từ Trung tâm ATTP của Hồng Kông (CFS) cho biết đã nhận được thông tin từ Ủy ban châu Âu thông báo về một loại sữa bột cho trẻ nhỏ trên 12 tháng tuổi (nhãn hiệu TwoBebes Growing-up milk 3, hộp 900g) sản xuất tại Hà Lan xuất khẩu sang Hồng Kông có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella do một loại chất xơ (Galacto-oligosacharide, GOS).
 
Xem video thu hồi sữa thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản  vietq.vn/video

Chất xơ này được sản xuất tại Hàn Quốc và cung cấp cho các nhà sản xuất sữa bột cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Hà Lan, bị cơ quan có thẩm quyền của Hà Lan phát hiện nhiễm vi khuẩn Salmonella. Nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây sốt và rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Những người có khả năng miễn dịch yếu hơn như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh nặng hơn và đôi khi thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

300 ngàn hộp sữa có hàm lượng vi khuẩn quá cao
 
Hãng sữa nổi tiếng Nhật Bản Moninaga chính thức ra lệnh thu hồi 322.000 hộp sữa tươi vì phát hiện trong sữa chứa hàm lượng vi khuẩn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Lô sữa bị thu hồi lần này được sản xuất tại Otaru, Hokkaido từ ngày 3/6/2012 đến 6/6, hạn sử dụng tương ứng từ 17/6 đến 20/6 và đang có mặt trên thị trường của 17 tỉnh trong cả nước.
Sữa nước ngoài dính bê bối
Sữa nước ngoài dính bê bối
 
Moninaga là hãng sữa lớn nhất của xứ sở mặt trời mọc, đây cũng là hãng sữa đã dính đến vụ bê bối lớn nhất liên quan đến chất lượng của nước này. Tháng 8/1955, đã có hơn 13.000 trẻ em ngộ độc với các triệu chứng co giật, ói mửa, nhức đầu, trướng bụng..., trong đó có hơn 130 ca đã tử vong.
 
Vụ việc này đã gây chấn động dư luận Nhật Bản, Bộ Y tế nước này đã phải vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân, kết quả điều tra cho thấy, các em bé này đều có điểm chung là đã uống sữa bột của hãng Morinaga.
 
Hongkong thu hồi sữa Nestlé không béo 
 
Tân Hoa xã cho biết, Trung tâm an toàn thực phẩm Hongkong, ngày 31/7, công bố đã phát hiện vi khuẩn Bacillus Cereus trong sữa can-xi Nestlé không béo cao gấp 120 lần so với quy định, khiến người sử dụng dễ bị các triệu chứng ói mửa, tiêu chảy… Báo cáo cũng cho thấy trong 16.800 mẫu thực phẩm đã phát hiện thấy 40 mẫu không đạt yêu cầu, bao gồm cả sữa can-xi Nestlé bán tại siêu thị Vạn Gia Hóa Nhuận ở Hongkong.
 
Trung tâm này đã cho thu hồi loại sữa trên và cho biết đang thu thập chứng cứ để khởi tố Nestlé. Đồng thời cũng cho biết họ nhận được nhiều điện thoại phàn nàn của người tiêu dùng ở Hongkong sau khi sử dụng loại sữa này.
 
Công ty Nestlé ở Hongkong vẫn tuyên bố đảm bảo về quy trình sản xuất cùng trình tự giao hàng của nhà máy sữa, cũng như điều kiện vệ sinh ở nhà máy và ở các đại lý bán lẻ.
 
Trước đó, hồi năm 2005, sữa Nestlé dạng lỏng dành cho trẻ em cũng từng bị thu hồi tại 4 nước châu Âu: Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi phát hiện một lượng hóa chất Isopropil Thio Xantone (ITX) có trong mực in trên nhãn hiệu bao bì sữa Nestlé. Họ nghi ngờ loại hóa chất này có thể đã thấm qua bao bì bằng carton do công ty Tetra Pak tại Hà Lan sản xuất.
 
Nhà chức trách nói gì?
 
Theo ông  Nguyễn Như Tiệp (Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp): Khi nghe một thông tin về sự cố an toàn thực phẩm, chúng ta phải làm rõ. Ví dụ, đỉa trong sữa là ở đâu, sữa nào, sữa chưa tiệt trùng hay đã tiệt trùng, từ đó có biện pháp khảo sát cụ thể. Trên cơ sở tập hợp thông tin, các cơ quan chức năng sẽ cung cấp thông tin chính thức. Cá nhân tôi cho rằng việc đỉa trong sữa đã tiệt trùng là khó có thể xảy ra.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong (Phó cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cho hay, thời gian qua, cục đã có câu trả lời chính thức về gạo giả, về đỉa trong sữa, về đỉa trong bim bim, trích dẫn quan điểm của cả các chuyên gia trong và ngoài nước. Câu trả lời là đỉa không thể tồn tại trong sữa.
 
Ông Nguyễn Thanh Phong
Ông Nguyễn Thanh Phong
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có những clip quay được những hộp sữa có ấu trùng? Câu trả lời là một sản phẩm sữa, thực phẩm khi vận chuyển, bảo quản mà không tuân thủ đúng các quy định thì vi sinh vật rất dễ xâm nhập, thậm chí sinh ấu trùng. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một sản phẩm có ấu trùng mà kết luận tất cả các sản phẩm khác đều bị như vậy là không thỏa đáng. Ta phải lấy mẫu lưu tại nhà máy, lấy mẫu từ cùng lô sản phẩm để xác minh.
 
Chúng tôi cho rằng các cơ quan báo chí bên cạnh việc bảo vệ người tiêu dùng thì cũng phải bảo vệ cả hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính, trong những trường hợp như vậy cần phối hợp ngay với cơ quan chuyên môn để có thông tin khách quan, khoa học. Đó là chưa nói đến những trường hợp do cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí tống tiền, mà thực tế đã từng xảy ra. (còn nữa)
 
* Những loại vi khuẩn thường gặp trong sữa?
Có rất nhiều loại vi khuẩn đã được tìm thấy trong sữa. Bacillus cereus là loại vi khuẩn sinh độc tố gây nôn mửa và tiêu chảy nặng. Vi khuẩn này là loại sinh nha bào, một loại vỏ đặc biệt giúp vi khuẩn không bị chết bởi nhiệt độ cao và có thể sống sót khi sữa được tiệt khuẩn bằng phương pháp Pasteur. Mặc dù rất hiếm, nhưng có trường hợp Bacillus cereus cũng được tìm thấy trong sữa bột và một số chế phẩm sữa bột cho trẻ em. Brucella cũng thường được tìm thấy trong những sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng. Khi bị nhiễm loại vi khuẩn này có thể bị sốt tái diễn nhiều lần. Campylobacter jejuni, loại vi khuẩn hay gây tiêu chảy nhất tại Mỹ, có mặt trong sữa tươi.
 
Vi khuẩn này bị tiêu diệt bởi pH axit của dịch vị nên nếu như ăn một lượng sữa tươi lớn làm dịch vị bị loãng, pH bớt axit đi thì Campylobacter jejuni có thể sống sót và gây tiêu chảy. Vi khuẩn Coxiella burnetii gây nhiễm ở nhiều loại vật nuôi và rất khó bị diệt bởi nhiệt độ và môi trường khô. Vi khuẩn này là nguyên nhân gây sốt Q, kéo dài từ 1 – 2 tuần. Các loại sữa tươi, phó-mát cũng có thể bị nhiễm E. Coli, đặc biệt là chủng E. coli O157: H7. Nếu bệnh nhân sau khi ăn sữa bị tiêu chảy có máu giống hội chứng lỵ thì phải coi chừng nguyên nhân gây bệnh là E. Coli. Listeria monocytogenes, là loại vi khuẩn hay gây bệnh ở các đối tượng bị suy giảm miễn dịch, HIV, phụ nữ có thai, trẻ con, người già với bệnh cảnh viêm màng não mủ

* Sữa có thể bị nhiễm khuẩn như thế nào?
Sữa có thể bị nhiễm khuẩn từ nhiều giai đoạn. Có nhiều loại vi khuẩn sống cộng sinh ở tuyến sữa của bò sữa, dê nuôi lấy sữa. Những loại vi khuẩn này vô hại đối với súc vật nhưng lại có thể gây bệnh khi lây lan sang người. Sữa có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình vắt sữa nếu không đảm bảo qui trình vệ sinh. Thông thường, với những dây chuyền chế biến sữa hiện đại, việc tiệt khuẩn được tiến hành theo những qui trình nghiêm ngặt nên nhiễm khuẩn sữa khó có thể xảy ra. Sữa chỉ bị nhiễm khuẩn khi bao bì, hộp đóng gói bị rách thủng, rò rỉ hoặc sữa để quá hạn sử dụng, sữa cất giữ trong môi trường không thích hợp. Cuối cùng, sữa cũng thường bị nhiễm khuẩn khi người tiêu dùng chế biến các sản phẩm từ sữa như làm sữa chua, bánh kẹo… hoặc cất giữ sữa ở môi trường mất vệ sinh, để ruồi muỗi, gián… rơi vào sữa.
 

Duy Anh - Mai Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang