Người Việt dùng hàng Việt - Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

author 10:23 06/12/2021

(VietQ.vn) - Sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam ngày càng được người dân ưa chuộng bởi các doanh nghiệp sản xuất trong nước không ngừng xây dựng thương hiệu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, thiết kế mẫu mã...

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đến nay hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao (trên 90%) trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. 

Điều này cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng cho hàng Việt ngày càng cao. Không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình mình.

Nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền, đưa hàng Việt về khu vực công nhân, khu công nghiệp, chương trình bán hàng bình ổn đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó là vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước ngày càng cao đã khiến mức tiêu thụ hàng Việt tăng trưởng mạnh. Tại Bình Dương, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, những năm gần đây tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng, nếu năm 2009 khoảng 80%, đến nay là trên 95%. Cuộc vận động đã có tác động lớn làm thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng hàng Việt của đại đa số NTD.

 Không ngừng xây dựng và giữ vững thương hiệu hàng Việt Nam.

Có thể nói, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.

Theo đánh giá từ doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng đã kỹ tính hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm đến sự an toàn đối với sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lan rộng. Nắm bắt tâm lý này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành vừa phải, bảo đảm chất lượng, tiện ích..., từ đó giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với các hàng nhập ngoại, người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa các mặt hàng xuất xứ Việt Nam thay cho hàng ngoại.

Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 trong năm qua cũng là cú hích mạnh mẽ cho hàng Việt Nam, khi xuất, nhập khẩu gián đoạn và người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước hơn. Cùng với việc bảo đảm thương hiệu Việt, cam kết bán đúng hàng, giá cạnh tranh… dẫn đến mức tiêu thụ tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, các hội chợ hàng Việt, phiên chợ Việt, bán hàng lưu động thực hiện tại khu vực xa trung tâm các huyện, sức mua của nhân dân, người lao động chưa cao. Đơn vị bán hàng phải trang trải nhiều chi phí vận chuyển, nhân sự, trong khi doanh số thấp nên thường không có lãi, do đó việc vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình còn khó khăn.

Mặt khác, vẫn xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân tổ chức hội chợ thương mại lấy danh nghĩa đưa hàng Việt về khu vực ngoại thành để bán một số sản phẩm, hàng hóa không rõ xuất xứ, chưa bảo đảm an toàn thực phẩm... Cùng với đó, người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa nguồn gốc của đơn vị triển khai bán hàng tại địa phương và hàng hóa không có nguồn gốc, hàng nhái... do tư thương đóng trên địa bàn đưa vào lưu thông, do vậy ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dân.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart) tổ chức rất thành công các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre”, “Chương trình đặc sản vải thiều Hải Dương”, “Gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử” hay gần đây nhất là “Phiên chợ nông sản Việt”. Thông qua các chương trình này, hàng nghìn tấn nông sản (chủ yếu là vải thiều Bắc Giang đợt vừa rồi) đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đang triển khai.

Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành Công thương đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, phát triển sản xuất gắn với tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước;

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ nhân dân tại khu vực ngoại thành; Tham mưu để thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp được thuận lợi phát triển, duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.

 Hoài Thương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang