Người tiêu dùng Việt Nam gia tăng mua sắm trực tuyến, thích nghi với dịch bệnh

author 16:54 24/09/2021

(VietQ.vn) - Nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam gia tăng mua sắm trực tuyến và sử dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm thích nghi với những rào cản từ đại dịch.

Mới đây, Công ty Visa - công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới vừa công bố một nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng. Qua đó cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam gia tăng mua sắm trực tuyến và sử dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm thích nghi với những rào cản từ đại dịch.

Điều này kéo theo sự tăng trưởng vượt bậc các hình thức bán lẻ và tiêu dùng số ở Việt Nam. Chính yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội và sự chuyển đổi sang mô hình làm việc tại nhà của đa số người dân đã tạo nên những những thay đổi nhanh chóng và đáng kể trong lĩnh vực thương mại. Nghiên cứu này của Visa cũng kèm theo các dự đoán về tương lai của ngành bán lẻ trước những tác động và ảnh hưởng to lớn của đại dịch.  

Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử. Ảnh minh họa.

Theo nghiên cứu của Visa, quá trình chuyển dịch từ cửa hàng sang các nền tảng thương mại điện tử đang diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng vừa qua, đã tạo lợi thế cho các dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ này và 82% người dân trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Cứ 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng tỏ ra hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến thường xuyên hơn khiến họ nhận ra sự an toàn và đơn giản của các hình thức này. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử”.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, bên cạnh mặt lợi, sự gia tăng mua hàng qua mạng trong thời kỳ dịch bệnh cũng có nguy cơ mang lại những tác động tiêu cực cho người tiêu dùng, cụ thể như với sự phát triển của thương mại điện tử và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất, dễ dàng và nhanh chóng nhất khi mua sắm qua mạng. Chỉ với một vài click chuột, người tiêu dùng đã có thể mua rất nhiều mặt hàng. Điều này cũng làm xuất hiện và gia tăng tình trạng chi tiêu quá nhiều, thậm chí quá mức thu nhập của bản thân và gia đình;

Bên cạnh đó, khi mua sắm qua mạng quá nhiều, cùng với những hình thức vận chuyển nhanh (vận chuyển hỏa tốc, vận chuyển 2 tiếng, vận chuyển 2 ngày) thì hình thức này đã gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Bên cạnh đó, việc các nhà bán hàng gói hàng quá kỹ nhằm tăng tính chuyên nghiệp và làm hài lòng khách hàng cũng gây lãng phí và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống;

Thậm chí, người tiêu dùng đối mặt nhiều hơn với những vi phạm quyền lợi khi mua hàng qua mạng như: hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng không áp dụng đồng kiểm, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, bảo mật thông tin cá nhân…

Vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử một cách tốt nhất là rất cần thiết đối với mỗi người tiêu dùng. Bộ Công Thương khuyến nghị, người tiêu dùng nên ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài; khi nhận hàng cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua;…

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang