Người Trung Quốc "tẩy chay" hàng trong nước

author 11:15 08/11/2012

(VietQ.vn) - Nhiều bê bối an toàn thực phẩm, hàng hóa xảy ra liên tiếp đã hủy hoại danh tiếng của sản phẩm trong nước, nỗi lo ngại của người dân ngày càng gia tăng về độ an toàn của sản phẩm nội địa trong những năm gần đây.

Tờ Nhật báo Trung Quốc (ChinaDaily) vừa công bố số liệu khảo sát của công ty nghiên cứu quốc tế Ipsos, 61% người tiêu dùng Trung Quốc không tin tưởng vào các loại thực phẩm và hàng hóa trong nước , và 28% có thói quen chỉ mua thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu để thay thế sản phẩm trong nước. Cuộc khảo sát đã cuộc phỏng vấn với 2.100 người tại 10 thành phố lớn của Trung Quốc. 

Hiện nay, các sản phẩm nhập khẩu phổ biến ở Trung Quốc là sữa (chiếm 77%), tiếp theo là ngũ cốc và dầu ăn (chiếm 57%), và thực phẩm cho trẻ em (chiếm 56%).

Theo kết quả của cuộc khảo sát, nguyên nhân dẫn đến việc người tiêu dùng Trung Quốc quay lưng với hàng nội địa và ưa chuộng thực phẩm, hàng hóa nhập là ở việc kiểm soát an toàn, nghiêm ngặt trong quá trình đóng gói và chế biến, không chứa các chất phụ gia nguy hiểm và kiểm định chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt của các thương hiệu quốc tế.

Trong năm 2011, tổng sản lượng của ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc lên tới 7,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,2 nghìn tỷ USD), theo Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Trung Quốc. Việc sản xuất bùng nổ khiến cho vấn đề chất lượng và an toàn bị coi nhẹ.

Ông Jennifer Tsai, giám đốc quản lý Đổi mới và dự báo của Ipsos tại Trung Quốc cho biết: "Những thách thức về an toàn, chất lượng ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp thực phẩm. Chất tạo nạc trong thịt, sữa nhiễm melamine, dầu tái chế và hóa chất nhuộm bánh bao ... tất cả những điều này đã tạo sự bất an lớn cho người tiêu dùng Trung Quốc".

Cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm liên tiếp đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc ảnh hưởng đến thói quen và hành vi của người tiêu dùng, 76% số người được hỏi nói rằng họ sẽ tìm kiếm những sản phẩm chất lượng hơn từ nước ngoài.

Gloria Gao, một nhân viên văn phòng 29 tuổi, cho biết cô ngừng mua các nhãn hiệu sữa trong nước từ hai năm trước.

Hàng Trung Quốc bị chính người dân nước này tẩy chay

Gloria Gao cho biết: "Do vấn đề an toàn, tôi thích mua sữa nhập khẩu, mặc dù nó đắt hơn nhiều hơn so với sữa trong nước. Trong những năm gần đây, người dân là nạn nhân của những vụ bê bối an toàn thực phẩm nhưng các cơ quan chức năng dường như không làm việc".

Khảo sát cho thấy thịt tươi sống, hải sản, ngũ cốc, dầu ăn, và các sản phẩm từ sữa là những mặt hàng đáng lo ngại về an toàn và chất lượng nhất.

Siêu thị trực tuyến Yihaodian.com cho biết doanh số bán hàng của các sản phẩm nhập khẩu đã tăng gấp năm lần chỉ trong 1 năm.

Thống kê của bộ phận tiếp thị của Yihaodian cho thấy Các sản phẩm sữa nhập khẩu, bánh quy, kẹo, đồ uống và cà phê đang được tiêu thụ với số lượng lớn.
Một nhân viên tại chi nhánh Thượng Hải của chuỗi cửa hàng siêu thị cao cấp cho biết: "Trước đây, đa số khách hàng của chúng tôi là người nước ngoài. Nhưng bây giờ chúng tôi có nhiều khách hàng là người dân địa phương."

Tại chuỗi siêu thị cao cấp, nơi 80% là hàng hóa nhập khẩu, thịt và rau quả được người dân địa phương mua sắm khá nhiều. Một người dân cho biết: "Bạn có thể mua rau rẻ hơn tại chợ lớn nhỏ, nhưng tôi thực sự lo lắng về sự an toàn cho gia đình mình. Vì vậy, tôi chỉ mua đồ ăn ở siêu thị này dù chi phí cao hơn".

Tim Wang, tổng giám đốc của Ecolab ở Trung Quốc, nhìn thấy vấn đề từ một góc độ tích cực. "Nếu các công ty Trung Quốc nhận ra vấn đề và tăng cường trách nhiệm xã hội của họ và nâng cao chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ đủ thông minh để lựa chọn hàng hóa chất lượng và giá thành thấp." 

Ngoài ra, mua sắm ở nước ngoài cũng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang nổi lên của Trung Quốc, theo một khảo sát của công ty nghiên cứu HorizonKey có trụ sở tại Bắc Kinh .

Cuộc khảo sát đặt câu hỏi 1.059 gia đình thuộc tầng lớp trung lưu từ năm thành phố lớn nhất của đất nước, và nhận thấy 36,6% số người được hỏi đã có kinh nghiệm mua sắm ở nước ngoài. Và hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch mua sắm ở nước ngoài trong tương lai gần.

Anh Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang