Nguồn gốc của triết lý về quản lý chất lượng toàn diện

author 06:05 21/09/2022

(VietQ.vn) - Triết lý về chất lượng toàn diện và phương thức quản lý chất lượng toàn diện được bắt đầu từ nước Mỹ. Trong đó, Nhật Bản là nước đầu tiên đã ứng dụng thành công tư tưởng về quản lý chất lượng toàn diện của Mỹ vào điều kiện của mình, đưa nước này từ trình độ chất lượng thấp kém thành cường quốc về chất lượng và kinh tế của thế giới sau thế chiến lần thứ 2.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bắt đầu từ nước Mỹ

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với yếu tố lợi nhuận, các doanh nghiệp cần đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu nếu muốn phát triển bền vững. Vì vậy, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng ngày càng được doanh nghiệp chú trọng và quan tâm nhiều hơn. Trong số đó phải kể đến phương thức quản lý chất lượng toàn diện TQM (Total Quality Management).

Triết lý về “chất lượng toàn diện” (total quality) và phương thức quản lý chất lượng toàn diện được bắt đầu từ nước Mỹ. Một nhà lãnh đạo tên Feigenbaun của hãng “General Electric" chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng và nghiệp vụ sản xuất của hãng trong những năm 50 của thế kỷ XX đã đưa ra khái niệm và định nghĩa kiểm soát chất lượng toàn diện như một hệ thống có hiệu quả để hợp nhất các nỗ lực về triển khai chất lượng, duy trì chất lượng và cải tiến chất lượng của các bộ phận khác nhau trong một tổ chức sao cho có thể sản xuất, dịch vụ ở mức kinh tế nhất với mục đích thỏa mãn người tiêu dùng.

Việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng ngày càng được doanh nghiệp chú trọng. Ảnh minh họa.

Nhật Bản là nước đầu tiên ứng dụng thành công tư tưởng về quản lý chất lượng toàn diện của Mỹ vào điều kiện của mình, đưa nước này từ trình độ chất lượng thấp kém thành cường quốc về chất lượng và kinh tế của thế giới sau thế chiến lần thứ 2.

Khác với cách quản lý của phương Tây dựa vào chuyên gia là chính, Nhật Bản đã huy động mọi người trong doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chất lượng, tạo nên phong cách riêng của Nhật Bản. Nếu như 1949 là năm thành lập nhóm nghiên cứu đầu tiên về quản lý chất lượng ở Nhật Bản thì đến năm 1968 Nhật Bản khẳng định được phương thức “kiểm soát chất lượng trong toàn công ty". Phương thức được tiếp tục hoàn thiện về triết lý, nội dung quản lý và cách thức triển khai khi áp dụng..., mà sau đó các chuyên gia ở phương Tây gọi là "Total Quality Management by Japanese Style".

Mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Nhà máy sản xuất điều hòa của một thương hiệu Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Internet.

Theo TS. Kaoru Ishikawa, quá trình phát triển từ quản lý chất lượng sang quản lý chất lượng toàn diện diễn ra như sau: Từ việc tập trung chủ yếu vào chất lượng sản phẩm và sản xuất sản phẩm một cách tiết kiệm nhất chuyển sang quản lý chất lượng các dịch vụ, các phương pháp quản lý…;

Từ việc nhận trách nhiệm quản lý chất lượng của mọi người trong công ty sang việc bổ sung trách nhiệm đó ở những người thầu phụ, ở hệ thống phân phối, các chi nhánh, đại lý, văn phòng…; Từ quản lý chất lượng theo nghĩa hẹp sang quản lý chất lượng theo nghĩa rộng trên 3 mặt cơ bản: Chất lượng, Giá cả (chi phí và lợi nhuận) và số lượng (thời gian cung cấp, giao hàng...);...

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng việc áp dụng quản lý chất lượng toàn diện sẽ mang lại nhiều ưu thế cho doanh nghiệp. Một số ưu thế có thể kể đến như: Doanh nghiệp đạt sự phồn thịnh và uy tín cao; Thống nhất nỗ lực của mọi người vào giải quyết các nhiệm vụ đặt ra bằng các hoạt động phối hợp nhịp nhàng; Thiết lập hệ bảo đảm chất lượng chiếm được lòng tin của người đặt hàng và người tiêu dùng;

Thúc đẩy quá trình nghiên cứu triển khai cho sản phẩm có thể đạt độ tin cậy cao, chất lượng cao nhất, hoàn thiện được công nghệ để giành thắng lợi trong cạnh tranh; Tạo được hệ quản lý hành chính có thể đảm bảo thu nhập trong những thời kỳ phát triển chậm cũng như đảm bảo giải quyết được những nhiệm vụ phức tạp nhất; Tạo sự tôn trọng con người, phát huy trình độ và kỹ năng của họ, chuyển giao tốt truyền thống cho thế hệ sau; Sử dụng tích cực và hợp lý các phương pháp quản lý chất lượng có liên quan; Quản lý chất lượng có nghĩa là quản lý hiệu quả...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang