Nguy cơ nhiễm khuẩn khi ăn lòng lợn không được làm sạch

authorNgọc Nga 07:19 14/02/2024

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, lòng lợn nếu không được làm sạch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thậm chí còn gây ra tác hại không nhỏ cho sức khỏe.

Lòng lợn là nguồn cung cấp protein tốt và một số vitamin và khoáng chất như sắt, vitamin A, B12... Lòng lợn là nguồn cung cấp protein dồi dào, rất cần thiết cho việc xây dựng và sửa chữa các mô trong cơ thể. Lòng lợn còn giàu vitamin và khoáng chất, vitamin A, B12 và sắt, rất quan trọng để duy trì các tế bào máu khỏe mạnh và hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Dù lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhưng thực phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y Học ứng dụng Việt Nam cho biết, ở đa số các nước phương Tây, lục phủ ngũ tạng của động vật đều là thứ bỏ đi. Tại Việt Nam, lòng lợn lại là đặc sản trên bàn nhậu.

Xét về giá trị dinh dưỡng, lòng lợn là món ăn nghèo chất dinh dưỡng, khó tiêu hóa. Ngoài ra, ăn lòng lợn còn gây nhiều vấn đề đáng lo ngại liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như không được làm sạch, lòng có thể chứa các vi khuẩn, ký sinh trùng có hại của vật chủ (lợn). Đặc biệt các loại tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán)... Một số ruột động vật có chứa lượng lớn vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Ăn lòng lợn nếu không được làm sạch và nấu chín kỹ có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, giun sán từ vật chủ là lợn, chẳng hạn Salmonella.

Ăn nhiều lòng lợn vốn đã không tốt, nếu không được làm sạch còn tăng nguy cơ gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thêm, lòng lợn là món ăn được nhiều người Việt yêu thích. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều vì có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.

Giá trị dinh dưỡng trong lòng không nhiều, chủ yếu là chất béo bão hòa và cholesterol. Trong 100g lòng lợn có khoảng gần 400mg cholesterol. Cholesterol là thành phần cần cho cấu trúc tế bào. Nhưng ăn quá nhiều có thể gây ra dư thừa, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bởi vậy, người cao tuổi, người bị bệnh gout cần tránh ăn món này.

Ngoài ra, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... cần hạn chế ăn lòng và tạng động vật.

Với những người khỏe mạnh chỉ nên ăn lòng 1 lần/tuần, mỗi lần từ 70-80g. Mọi người chỉ nên ăn dưới 300mg cholesterol/ngày từ tất cả các thực phẩm. Cholesterol không chỉ có trong các tạng của động vật còn có nhiều trong da động vật, mỡ động vật… Do đó người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, thừa cân/béo phì... cần hạn chế ăn lòng và tạng động vật.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết ăn lòng lợn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn có tên Yersinia enteratioitica gây ra. Nhiễm trùng này có thể gây tiêu chảy ra máu nghiêm trọng, nôn mửa và chuột rút. Nó thậm chí có triệu chứng tương tự viêm ruột thừa. Điều đáng kinh ngạc là Yersinia enteratioitica có thể gây ra tình trạng viêm khớp phản ứng mạn tính ở những người có biến thể di truyền HLA-B27.

Đặc biệt, trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm trùng cao với Yersinia enteratioitica. Chúng có thể bị nhiễm bệnh khi người chế biến không rửa tay cẩn thận trước khi chạm vào trẻ em hoặc các vật dụng trẻ cho vào miệng như đồ chơi, bình sữa và núm vú giả.

Nếu ăn lòng lợn, hãy đảm bảo bạn mua chúng từ cơ sở có uy tín, làm sạch và nấu chín đúng cách để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh do thực phẩm. Nên đeo găng tay và khẩu trang khi sơ chế và làm sạch lòng lợn để tránh tiếp xúc với mầm bệnh. Ngoài ra, hãy nấu chitlin ở nhiệt độ tối thiểu 76,7 độ C trong ít nhất 10 phút để loại bỏ bất kỳ vi khuẩn hoặc ký sinh trùng nào hiện diện.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang