Nguy hại khi mua phải bếp từ giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam

author 20:56 28/11/2023

(VietQ.vn) - Bếp từ là thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình tuy nhiên vì lợi nhuận hiện nay có nhiều đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật đã có hành vi vận chuyển, kinh doanh bếp từ giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng để trục lợi.

Mới đây Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Đội Quản lý thị trường(QLTT) số 17- Cục QLTT Hà Nội đã chủ trì tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh có địa chỉ tổ 18, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán 85 chiếc bếp từ mang nhãn hiệu Sunhouse.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, toàn bộ số hàng hóa là bếp từ có gắn nhãn hiệu Sunhouse trên sản phẩm không thể tách rời sản phẩm, có dấu hiệu giả mạo nhãn Sunhouse đang được bảo hộ tại Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Sunhouse: 25.500.000 đồng.

Trước sự chứng kiến của chủ cơ sở, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy số liệu, tư liệu số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Sunhouse ở trên, gửi đến đơn vị đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu Sunhouse tại Việt Nam để xác minh hàng thật/hàng giả nhãn hiệu. Hiện, Đội QLTT số 17 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bếp từ giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Không chỉ có bếp từ của hãng Sunhouse bị làm giả mà trước đó, Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 24H-009.03 do ông Phạm Tuấn (Bản Cầm, Bảo Thắng, Lào Cai) điều khiển. Qua kiểm tra phương tiện phát hiện trên xe đang vận chuyển 1.000 bộ bếp từ đơn nhãn hiệu Philips công suất 2500w kích thước 313x160x385mm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Philips. Hay tại Hưng Yên, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 5 đã tiến hành khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính đối với kho chứa hàng gồm 1.758 sản phẩm hàng hóa là máy phun áp lực nước, bếp từ… do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện kho hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa đó.

Nói tới nạn giả mạo bếp từ, bà Phạm Thị Ngọc Dung, Luật sư cao cấp Công ty luật Baker McKenzie Việt Nam (BMVN) cho biết những sản phẩm như bếp từ giả không chỉ gây tổn hại đến thương hiệu, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các thương hiệu bếp hàng đầu, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng Việt Nam.

Bà Ngọc Dung chia sẻ: “Bếp giả đến từ muôn nẻo, từ các thành phố đến thôn quê. Phải đến 99% bếp giả đến từ Trung Quốc thông qua các con đường nhập khẩu chính thống, xách tay hoặc hàng lậu. Những đối tượng kinh doanh hàng giả thậm chí còn có những bí kíp để lừa sự giám sát của hải quan và các lực lượng, cơ quan chức năng khác".

Còn ông Phùng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Kocher cho hay, việc đấu tranh với hàng giả là cuộc chiến không cân sức. Các thương hiệu bếp thường đầu tư rất nhiều tiền cho marketing, và các chi phí khác, trong khi chi phí đầu vào rất cao do doanh nghiệp nhập hàng chất lượng.

Thông tin thêm, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, hàng giả, nhái thương hiệu được sản xuất tinh xảo rất khó phân biệt vẫn trà trộn với những sản phẩm chính hãng trên thị trường, gây thiệt hại về tài chính, uy tín của doanh nghiệp và niềm tin, sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt, thời gian gần đây khi thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, các thiết bị nhà bếp như tủ lạnh, bếp từ, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy rửa bát, máy lọc nước… cũng bị làm giả, làm nhái thương hiệu và xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Liên quan tới bếp từ giả mạo nhãn hiệu, các chuyên gia của Điện Máy Xanh cũng cho rằng, phần lớn các loại bếp từ giả mạo nhãn hiệu, đặc biệt là bếp từ Trung Quốc giá rẻ thường có tuổi thọ ngắn và dễ hư hỏng, nhiều khi sử dụng chất liệu, vật liệu không bảo đảm chất lượng để sản xuất, lắp ráp không đúng yêu cầu kỹ thuật. Dây dẫn điện của bếp không đạt chuẩn dẫn đến tình trạng quá tải gây nóng, chảy, chạm mạch, nguy cơ rò rỉ điện. Ngoài ra, do sử dụng trong môi trường nhiệt cao, các linh kiện không đảm bảo dễ bị “lão hóa”, gỉ sét, cũng dẫn đến chập điện.

Để hạ giá thành sản phẩm, các loại bếp từ giả mạo thường sử dụng loại kính chịu nhiệt kém, phần điều khiển gia nhiệt dùng IC điều khiển chất lượng thấp dễ dẫn đến vỡ kính vì không chịu được nhiệt cao và chập điện, cháy IC điều khiển gây nguy hiểm khi sử dụng. Khi sửa chữa, thay thế linh kiện bếp khá tốn kém. Do đó, để tránh mua phải bếp từ giả, nhái, kém chất lượng và đảm bảo an toàn cho cả gia đình, người tiêu dùng ngoài những kiến thức phân biệt bếp thật - giả thì nên lựa chọn những siêu thị, Showroom thiết bị nhà bếp uy tín để mua hàng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang