Nguy hại từ kính áp tròng có màu xanh, đỏ... giá rẻ được giới trẻ ưa chuộng
Tuần hàng Việt Nam tại Udon Thani: Giúp hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Thái Lan
Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan Phim hoạt hình Dòng khát vọng
Ninh Bình: Kiểm tra việc duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015
Sử dụng kính áp tròng có màu để bắt trend
Gần đây, kính áp tròng không chỉ được nhiều bạn trẻ bị cận, loạn... sử dụng mà nhiều bạn trẻ không bị cận cũng chọn những kính áp tròng không độ có màu xanh, đỏ, tím... để bắt trend. Nhiều bạn trẻ nghe theo quảng cáo "kính áp tròng màu cực kỳ bắt trend", mua một loạt các màu như xanh, đỏ, xám, nâu, tím... Có những cặp kính áp tròng chỉ bán với giá 115.000 đồng, thời gian sử dụng trong 6 tháng.
Em P.T. (16 tuổi, ngụ ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) kể dù mắt em không bị cận hay loạn nhưng thấy bạn em mua kính áp tròng đeo để có đôi mắt màu xanh, em cũng mua để dùng thử.
Mới đây em H.Đ. (20 tuổi, sinh viên, ngụ ở quận Gò Vấp) đến một bệnh viện khám mắt vì khoảng 2 tháng trước đó, mắt phải của Đ. bị cộm, mờ, đỏ. Em Đ. cũng đeo kính áp tròng. Em Đ. được chẩn đoán viêm giác mạc do vi rút herpes. Dù đã được điều trị nhưng mắt em vẫn mờ và đỏ nhiều hơn. Sau đó em đến Bệnh viện Mắt TP.HCM thì được chẩn đoán là viêm loét giác mạc diễn tiến nặng do đeo kính áp tròng.
Đeo kính áp tròng có nhiều màu sắc có thể gây nhiều tác hại. Ảnh minh họa
Bác sĩ Lê Thị Kim Chi, Phó khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, hiện nay nhiều bạn trẻ bị cận, loạn... có xu hướng chọn đeo kính áp tròng vì không bị vướng kính khi chơi thể thao, năng động, thẩm mỹ...Kính áp tròng ngoài loại không màu, còn có loại có màu cho những người bị cận, loạn... lựa chọn. Ngoài ra vì nhu cầu làm đẹp, nhiều bạn còn chọn mua kính áp tròng không độ, có màu để đeo. Các bạn trẻ ít chọn mua kính áp tròng (lens) chính hãng nhưng khi mua hàng trôi nổi, không đạt chuẩn dễ gây viêm nhiễm mắt cho người đeo.
Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, các bác sĩ ở khoa khám bệnh vẫn gặp những bạn trẻ đeo kính áp tròng không đúng cách bị viêm giác mạc, nhiễm trùng giác mạc. Đã có những trường hợp đeo kính áp tròng bị viêm giác mạc, không điều trị kịp thời dẫn đến viêm loét giác mạc nặng, phải múc bỏ mất mắt.
Bác sĩ Chi khuyên nên chọn đeo kính áp tròng dùng một lần là tốt nhất. Còn với những người đeo kính áp tròng có thời gian sử dụng dài trong một tuần hoặc một tháng, khi bỏ kính áp tròng ra thì phải ngâm rửa kính cho sạch. Tay, nước máy không sạch, bụi bặm... là những yếu tố làm kính áp tròng dễ bị dơ, dễ gây viêm nhiễm mắt.
Ngoài ra cũng cần lưu ý thời gian đeo kính áp tròng trong ngày càng ít càng tốt vì đeo kính áp tròng nhiều giờ trong ngày sẽ làm khô mắt, có nguy cơ viêm nhiễm mắt nhiều hơn. Không được đeo kính áp tròng qua đêm vì ngày hôm sau dễ bị viêm, khô mắt, nguy cơ vi trùng xâm nhập nhiều hơn. Khi đang đeo kính áp tròng mà mắt bị cộm, xốn... cần dừng đeo kính áp tròng, phải đi khám mắt ngay.
Cần chọn đúng, dùng đúng để không gây hại cho mắt
Bác sĩ Đặng Thị Thu Hương, Khoa mắt Bệnh viện C Đà Nẵng chia sẻ, việc đeo kính áp tròng có cả ưu nhược điểm tùy từng trường hợp. Kính áp tròng có nhiều ưu điểm hơn so với kính gọng như không vướng víu, có thể tham gia các hoạt động mạnh như chạy nhảy, khi đi mưa, không bị hạn chế tầm nhìn. Khi ngã, va chạm mạnh không bị chấn thương bởi mảnh kính như kính gọng. Tuy nhiên kính áp tròng có các nhược điểm như tháo lắp khó khăn, đặc biệt đối với trẻ em và lần đầu mang kính, dễ bị chấn thương hay xước giác mạc dẫn đến viêm loét. Đeo kéo dài sẽ gây khô mắt, đặc biệt loại kính không thấm khí.
Bác sĩ Hương khuyến cáo hiện thị trường có rất nhiều loại kính áp tròng, cần chọn đúng số, đúng kích thước. Nên chọn kính mềm và thấm khí. Mang tháo kính đúng kỹ thuật, vệ sinh tay sạch bằng xà phòng trước khi tháo lắp. Dung dịch vệ sinh kính cần đảm bảo, nên sử dụng kính dùng một lần trong ngày.
Khuyến cáo thêm, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản cho rằng, kính áp tròng có màu vốn là sản phẩm được yêu thích và lựa chọn sử dụng phổ biến với những người đam mê làm đẹp. Tuy nhiên, việc đeo kính áp tròng màu với tần suất kéo dài, không có sự kê đơn của bác sĩ hoặc đeo sai cách có thể ảnh hưởng tới sức khỏe đôi mắt
Kính áp tròng là thấu kính được làm từ chất liệu dẻo đặc biệt, được thiết kế với kích thước phù hợp để ôm sát giác mạc, giúp điều chỉnh tật khúc xạ của mắt. Các loại kính áp tròng có màu thường được pha trộn thêm màu sắc đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, được thêm vào ở vị trí mống mắt nhằm gia tăng tính thẩm mỹ. Tuy vậy, đây cũng là sản phẩm ẩn chứa nhiều nguy cơ gây bệnh cho mắt nếu không được sử dụng đúng cách. Một số tổn thương trên mắt có thể xảy ra do sử dụng các loại kính áp tròng được thiết kế đại trà hoặc không có sự kê đơn của bác sĩ.
Thông thường, với kính áp tròng có màu, dùng trong mục đích thẩm mỹ sẽ được thiết kế với kích thước trung bình phổ biến của đại đa số người dân. Do đó, có không it trường hợp kích thước của kính không phù hợp với kích thước mắt của người sử dụng dẫn đến tình trạng trầy xước giác mạc, loét giác mạc,...
Theo một nghiên cứu trên 600 phụ nữ tại Mỹ cho thấy, có khoảng 60% người đeo kính áp tròng có hiện tượng đau, ngứa, đỏ và sưng mắt. Theo nghiên cứu của FDA trên 300 chiếc kính áp tròng, vi khuẩn có hại được tìm thấy trong khoảng hơn 60% kính áp tròng được mua mà không có sự kê đơn của bác sĩ.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN: 2016/BLĐTBXH đối với phương tiện bảo vệ mắt cá nhân dùng trong công việc hàn
Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhằm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật đối với các loại phương tiện bảo vệ mắt cá nhân sử dụng chủ yếu nhằm ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm gây tổn thương mắt, giảm thị lực, các yếu tố có hại như tia phóng xạ, tia X, tia la-de và tia hồng ngoại để bảo vệ mắt cho người lao động khi hàn và cắt kim loại bằng nhiệt. Đánh số và yêu cầu truyền quang đối với bộ lọc sáng dùng để bảo vệ mắt cho người lao động khi hàn và cắt kim loại bằng nhiệt.
Quy chuẩn quy định phương tiện bảo vệ mắt cá nhân dùng trong công việc hàn phải được chế tạo từ những vật liệu tích hợp và không có vỏ bọc bằng kim loại hoặc các bộ phận bằng kim loại, trừ các ốc vít và bản lề. Phương tiện bảo vệ mắt cá nhân dùng trong công việc hàn phải không có những khuyết tật nhìn thấy được và phải đảm bảo được những yêu cầu sử dụng thích hợp.
Phương tiện bảo vệ mắt cá nhân dùng trong công việc hàn không được có các vết lồi lõm, cạnh sắc hoặc các đặc điểm khác gây bất lợi cho người sử dụng. Vật liệu dùng để chế tạo phải được chọn lọc không gây dị ứng da, trong trường hợp kính bảo hiểm kiểu kín chống bụi, kết cấu của nó phải không cho phép có những rủi ro đặc biệt gây dị ứng cho người lao động. Các bộ phận hoặc chi tiết điều chỉnh của phương tiện bảo vệ mắt cá nhân dùng trong công việc hàn phải dễ điều chỉnh và dễ thay thế.
Ngoài các bộ lọc sáng có hai lớp hoặc có lớp phủ đặc biệt để giảm sự đọng hơi nước, còn lại phải đảm bảo sự thông thoáng thích hợp. Ngoài khung kính, tất cả các vật liệu khác phải chịu tác động của tia bức xạ khi dùng và có tiếp xúc với người sử dụng phải có độ dẫn nhiệt thấp hơn 0,2 Wm-1K-1.
Mắt kính phải được chế tạo từ chất dẻo hoặc bằng vật liệu tổng hợp khác, bằng thủy tinh bền hoặc các lớp thủy tinh khác nhau ghép lại bằng sự kết hợp các vật liệu nói trên. Kính thủy tinh chưa qua xử lý chỉ được dùng làm mắt kính khi nó được dùng kết hợp với các vật liệu nói trên, trừ trường hợp mắt kính dùng chủ yếu để chống bức xạ hoặc để làm kính phủ bảo vệ cái lọc sáng. Các băng buộc đầu đi kèm với phương tiện bảo vệ mắt phải có chất lượng tốt, bền và rộng ít nhất 10 mm.
Nguyễn Thị Phương Nga