Tiêu hủy hơn 1.400 chai bia không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 11:30 12/04/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang vừa thông tin, đơn vị này đã tiến hành tiêu hủy hơn 1.400 chai bia không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia dẫn nguồn thông tin từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hà Giang cho biết, mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Giang, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy hơn 1.400 chai bia không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 23H-001.10 chạy trên Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có nhiều biểu hiện nghi vấn.

 Hà Giang tiêu hủy lượng lớn bia không rõ nguồn gốc. Ảnh: Ngô Khắc Quý

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 120 thùng bia các tông, gồm 1.440 chai bia Yên Kinh được ngụy trang tinh vi bằng các sọt hoa quả do Sình Mí Say (SN 1997), trú tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, Sình Mí Say khai nhận là chủ của số hàng trên nhưng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên.

Lực lượng chức năng Hà Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Sau khi hoàn tất các hồ sơ theo quy định, Hội đồng tiêu hủy Công an tỉnh đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ lô hàng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Liên quan tới các hành vi vi phạm về kinh doanh rượu, bia theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm: Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh; Hành vi kinh doanh dịch vụ cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu - hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp - hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá; Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu, bia; Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hành vi vi phạm về thương mại điện tử; hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam; Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, tại Mục 5 – Chương II của Nghị định này quy định hành vi vi phạm về kinh doanh rượu, bia. Cụ thể, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về đăng ký bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; Hành vi vi phạm về nhập khẩu rượu; Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; Hành vi vi phạm khác về kinh doanh rượu, bia như sau:

Đối với hành vi vi phạm về đăng ký bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại: Sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại mà không đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp Huyện theo quy định.

Đối với hành vi vi phạm về nhập khẩu rượu: Sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Nhập khẩu trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu rượu bán thành phẩm để sản xuất rượu thành phẩm có độ cồn từ 5,5 độ trở lên mà không có giấy phép kinh doanh rượu; Bán rượu bán thành phẩm nhập khẩu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên cho đối tượng không có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp. Hành vi nhập khẩu rượu không qua các cửa khẩu quốc tế theo quy định bị xử phạt theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang