Nguyên nhân khiến đắp mặt nạ hay bị ngứa rát, cách dùng chuẩn an toàn

author 17:08 13/12/2022

(VietQ.vn) - Đắp mặt nạ là bước chăm sóc làn da được nhiều chị em sử dụng tuy nhiên có nhiều người hay bị ngứa rát. Vậy đâu là nguyên nhân?

Đắp mặt nạ là một trong những bước chăm sóc da quen thuộc giúp da trở nên ẩm mịn, căng bóng. Có nhiều loại mặt nạ dưỡng da với các công dụng khác nhau, ví dụ như cung cấp độ ẩm, tẩy tế bào chết, trị mụn trứng cá, giảm nếp nhăn, làm sáng da… Mặt nạ giúp thẩm thấu dưỡng chất vào da nhanh hơn. Mặc dù đa phần mặt nạ đều lành tính, song vẫn có thể gây ra một số phản ứng như cảm giác nóng rát, châm chích, ngứa ngáy, mẩn đỏ… Vậy tại sao đắp mặt nạ gây ra những biểu hiện trên?‏

‏Mặt nạ chứa thành phần gây dị ứng 

Có nhiều nguyên nhân khiến da cảm thấy nóng rát, châm chích sau khi đắp mặt nạ.‏ Có thể người tiêu dùng dị ứng với một số thành phần của mặt nạ gây châm chích, ngứa ngáy. Trong đó các chất tạo mùi hương là một trong những thành phần phổ biến trong các loại mặt nạ có khả năng gây kích ứng da, đặc biệt là da nhạy cảm.‏

‏‏Ngoài ra, tùy vào công dụng của chúng, một số loại mặt nạ còn có thêm các chất như ceramide, acid amin, glycerin, acid hyaluronic… cũng có thể gây phản ứng dị ứng trên da với các triệu chứng nóng rát, châm chích. Do đó, nếu sở hữu làn da nhạy cảm nên kiểm tra các thành phần trong mặt nạ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu triệu chứng dị ứng diễn ra nặng nề hơn.

 Đắp mặt nạ hay bị ngứa rát có nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa

Quy trình chăm sóc da chưa đúng

‏Làm sạch da là một bước quan trọng trước khi đắp mặt nạ nhằm loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn, vi khuẩn tồn tại trên bề mặt da. Không những thế, việc này còn là bước đệm giúp các dưỡng chất được thẩm thấu tốt hơn vào da ở những bước chăm sóc sau. Nếu không làm sạch da, vi khuẩn có thể xâm nhập da gây viêm, kích ứng, bít tắc lỗ chân lông gây mụn ở da mặt.‏

‏Vì vậy, trước khi đắp mặt nạ, chị em cần tẩy trang và rửa mặt với sữa rửa mặt để hạn chế tình trạng đắp mặt nạ bị ngứa rát. Sau khi đã làm sạch, nên sử dụng nước hoa hồng để cân bằng độ pH cho làn da cùng serum (nếu có). Khi đã hoàn thành các bước chăm sóc da nói trên, hãy đắp mặt nạ trong 10-20 phút tùy loại rồi rửa mặt với nước thường sau đó.‏‏

Sử dụng mặt nạ không phù hợp

Đắp mặt nạ là một trong những cách chăm sóc da ít tốn kém mà lại rất hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể sử dụng bất cứ loại mặt nạ nào, vào bất cứ thời điểm nào và dùng mặt nạ trong bao lâu tùy thích.‏

‏Tùy vào từng loại da nên lựa chọn loại mặt nạ phù hợp, chẳng hạn như:‏ Da dầu nhờn nên sử dụng mặt nạ có chứa than hoạt hoặc có tính kiềm dầu. Trong khi da khô nên sử dụng mặt nạ có chứa axit hyaluronic và glycerin giúp cung cấp thêm độ ẩm cho làn da.‏

‏Da có dấu hiệu nếp nhăn hoặc muốn dưỡng trắng nên ưu tiên các loại mặt nạ chứa các thành phần chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng da mụn và da nhạy cảm lại dễ bị ngứa rát khi sử dụng mặt nạ chứa vitamin C.‏ ‏Da mụn có thể lựa chọn mặt nạ dưỡng ẩm chứa axit salicylic nồng độ thấp.‏ ‏‏Ngoài ra, nếu tự làm các hỗn hợp mặt nạ dành cho da dầu tại nhà, bạn nên tránh các thành phần có tính có tính axit như chanh hoặc giấm táo. Những nguyên liệu này có độ pH thấp và có thể khiến bạn gặp tình trạng rát da khi đắp mặt nạ.‏

Những lưu ý khi đắp mặt nạ để tránh tình trạng rát và ngứa

Luôn kiểm tra loại mặt nạ trước khi đắp nếu đó là lần đầu sử dụng, đặc biệt nếu da thuộc loại da nhạy cảm thì điều này càng cần thiết. Để đảm bảo an toàn, trước hết hãy thoa một lượng nhỏ lên phía sau tai, hoặc ở mặt trong của khủy tay, đợi trong vòng 30 phút, sau đó rửa sạch. Nếu trong vòng 24 tiếng không có bất cứ phản ứng nào trên da trong vòng 24 tiếng thì hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng loại mặt nạ này.

Sau đắp mặt nạ xong, bên cạnh việc rửa sạch mặt bằng nước ấm cũng cần rửa sạch mặt với nước lạnh. Không nên lạm dụng việc đắp mặt nạ. Không nên cho rằng càng đắp mặt nạ nhiều càng tốt, trái lại việc đắp mặt nạ quá nhiều sẽ gây nên tác dụng "phản chủ". Các chuyên gia khuyên không nên đắp mặt nạ quá 2 lần mỗi tuần. Ngay cả với mặt nạ tự làm từ hoa quả cũng không nên sử dụng hằng ngày vì sẽ làm tổn hại cho da, thêm vào đó axit có trong các loại trái cây sẽ làm da trở nên nhạy cảm hơn, dễ kích ứng hơn nếu dùng hằng ngày, trừ dưa chuột.

Khi đắp mặt nạ nên thoa đều lên trên da, tuy nhiên cần đặc biệt thận trọng đối với khu vực xung quanh mắt và môi. Không nên thoa mặt nạ lên mắt hay môi. Nếu da thuộc loại da hỗn hơp có thể sử dụng mặt nạ bùn và chỉ đắp mặt nạ theo hình chữ T, đặc biệt lưu ý ở khu trung tâm má, mũi, trán và cằm.

Không đắp mặt nạ khi da bị mụn. Đắp mặt nạ khi da mụn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn hoạt động gây hại thêm cho làn da của bạn. Thêm vào đó, nếu dùng mặt nạ trị mụn, nên có sự tư vấn của chuyên gia da liễu xem nó có phù hợp với mình không.

Các chuyên gia khuyên nên đắp mặt nạ vào buổi tối bởi đây là là khoảng thời gian mà khả năng thẩm thấu của da lên cao nhất, cũng là khi bạn đã xong xuôi mọi việc và có thể thư giãn. 

Mặt nạ tự chế phải dùng ngay thay vì để lâu, nếu đó là loại mặt nạ với nguyên liệu là trái cây hay trứng, nên chọn loại tươi ngon. Mặt nạ chế xong nên dùng ngay vì để lâu sẽ mất các vitamin và có thể bị ôxy hóa và nhiễm khuẩn, gây biến chất, nguy hiểm cho da.

Cần rửa mặt trước khi đắp mặt nạ. Nhiều người thường rất sai lầm khi đắp mặt nạ ngay lên trên da mà không hề vệ sinh da mặt. Điều này sẽ khiến bụi bẩn bám chặt vào da hơn, đi ngươc lại tác dụng vốn có của nó.

Rửa mặt trước khi đắp mặt nạ sẽ giúp da tiếp nhận được các dưỡng chất một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra cũng cần rửa sạch tay để không đưa bụi bẩn và vi trùng lên mặt.

Nên bảo quản mặt nạ khỏi khu vực nhà tắm, nhất là loại mặt nạ đựng trong bình, sau khi dùng xong nên đậy chặt nắp bình để tránh hơi nước ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Khi sử dụng mặt nạ được chế sẵn, tốt nhất nên dùng kẹp tách lấy lớp mặt nạ cần dùng, tránh tiếp xúc với những lớp mặt nạ chưa dùng để tránh nhiễm khuẩn (đối với mặt nạ dạng miếng).

Không nên đắp mặt nạ quá lâu. Thật ra đắp mặt nạ với thời gian dài không hề tốt, có rất nhiều người nghĩ rằng đắp mặt nạ càng lâu thì hiệu quả càng cao do đó mà có những người trước khi đi ngủ mới đắp mặt nạ và để mặt nạ tới tận sáng mới tháo bỏ.

Nên nhớ mỗi lần đắp không nên đắp quá 30 phút, không nên đắp quá thời gian trên vì khi mặt nạ để quá khô sẽ rất có hại cho da, hơn nữa làm da trở nên khô và phản tác dụng

Mỗi lần đắp không nên quá dày. Không nên nghĩ rằng đắp mặt nạ càng dày thì da càng hấp thu được nhiều các chất dinh dưỡng. Thật ra đắp mặt nạ dày như vậy da không những khó hấp thu các chất dinh dưỡng mà còn làm bít các lỗ chân lông và làm da không sáng, do đó khi đắp bạn chỉ cần đắp một lớp mỏng thì da sẽ dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng hơn.

Sau khi đắp mặt nạ xong phải rửa mặt sạch. Có người cho rằng khi đắp mặt nạ xong tức là da mặt đã hấp thu được các chất dinh dưỡng, sau khi đắp mặt nếu rửa mặt sẽ làm mất các chất dinh dưỡng trên da vừa đắp.

Kỳ thực thì không phải như vậy, mặt nạ dưỡng da đã loại bỏ các tế bào chết, bổ sung nước và các chất dinh dưỡng cho da, các chất dinh dưỡng sẽ nhanh chóng ngấm và hấp thu vào da. Do đó bạn không phải lo rửa mặt xong sẽ mất các chất dinh dưỡng vừa được bổ sung.

Cần chọn loại mặt nạ chăm sóc phù hợp với loại da. Không phải tất cả các loại mặt nạ đều phù hợp với tất cả các loại da và cũng không có nghĩa là tất cả các loại da đều thích hợp với tất cả các loại mặt nạ.

Dùng một lượng nhỏ những nguyên liệu đã chế biến, thoa lên mặt và cổ. Đối với mặt đầu tiên hãy thoa từ cằm lên sau đó là hai bên má, mũi và trán. Khi thoa mặt nạ chỉ nên thoa một lớp mỏng. Đợi mặt nạ trên mặt khô trong vòng 30 phút. Nên nhớ là hãy để nó khô tự nhiên, tránh dùng máy sấy khô hay quạt để làm khô. Trước khi rửa mặt sạch nên dùng một ít nước làm mềm mặt nạ đã khô và mátxa nhẹ nhàng trên da mặt. Khi lột mặt nạ nên lột từ trên trán xuống. Đối với mặt nạ bằng bùn hãy dùng bông gòn để thấm nước ấm, làm mềm da mặt sau đó rửa dần dần nhẹ nhàng. Lau khô mặt với khăn vải mềm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang