Vụ tìm kiếm máy bay mất tích: Việt Nam nỗ lực, tình báo Đài Loan từng cảnh báo Malaysia

author 07:23 11/03/2014

(VietQ.vn) - Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm tung tích chiếc máy bay MH370 của Malaysia bị mất liên lạc vào rạng sáng 8/3. đến nay tung tích của máy bay MH370 vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên Việt Nam vẫn quyết tâm lên kế hoạch cho cuộc tìm kiếm tiếp theo.

Lên nhiều phương án tìm kiếm

Vào 19h ngày 10/3, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày mai 11/3, Việt Nam tiếp tục tổ chức tìm kiếm tàu Malaisia mất tích sáng ngày 8/3.

Ngày 11/3, Việt Nam sẽ huy động tàu để tìm kiếm tại khu vực phía nam vĩ độ 8. Về tàu tìm kiếm sẽ chia thành 2 tổ.

Tổ 1 tìm kiếm từ nam vĩ độ 8 đến khu vực đã tìm kiếm của ngày 9/3.

 Tổ 2 tìm kiếm phía Đông khu vực tìm kiếm 9/3, mở đều ra 2 bên đường bay từ điểm igari (định vị) đến Tân Sơn Nhất.

Còn lực lượng không quân tiếp tục tìm kiếm khu vực từ phía Nam đảo Thổ Chu từ vĩ độ 7 mở rộng ra phía Đông đến kinh độ 16, đồng thời điều tàu xác minh khu vực Đông Nam đảo Ô Cấp cách Vũng Tàu 32 hải lý.

Trước đó,  trong ngày 10/3, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã gửi báo cáo tới Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay MH 370 của Malaysia.

Báo cáo nêu rõ, trong ngày 10/3/2014, ta sử dụng 06 máy bay gồm: 03 AN 26, 02 Mi 171, 01 DHC6, bay 12 lần chuyến; 07 tàu các loại gồm: SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774 tiếp tục công tác tìm kiếm tại hiện trường, mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm hôm trước; tập trung tìm kiếm, xác minh các vật thể do máy bay phát hiện. Tàu HQ 888 trên đường cơ động đến hiện trường; CSB 2002 xuất phát ra hiện trường thay thế cho tàu CSB 2001 về bổ sung nhiên liệu; HQ 627 bổ sung dầu, nước cho tàu SAR 413.

Lực lượng nước ngoài: Tổng số 04 máy bay, 11 tàu gồm: Malaysia 02 máy máy bay, 07 tàu; Singapore: 02 máy bay, 02 tàu; Trung Quốc: 02 tàu cùng tham gia tìm kiếm.

Tàu thủy hoạt động trên biển được huy động tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: TTXVN.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp đến Trung tâm Điều hành của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo các lực lượng của Bộ Quốc phòng thực hiện công tác tìm kiếm.

Đến 10h00 cùng ngày, Bộ Quốc phòng đã có công điện Số 04/TK chỉ đạo: Hải quân bảo đảm nhiên liệu cho tàu SAR 413 để tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ chỉ huy hiện trường; PK-KQ triển khai tổ bảo đảm thông tin không lưu để thành lập Bộ phận Chỉ huy hỗn hợp trên tàu SAR 413; Số 05/TK chỉ đạo: Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đảm bảo quân y, hậu cần cho 02 Sở Chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc và Cà Mau để phối hợp chỉ đạo lực lượng trong, ngoài nước tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn.

Ban chỉ huy UBQG tìm kiếm cứu nạn liên tục theo dõi các thông tin từ các đơn vị báo về.

 Kết quả tìm kiếm trong ngày tính đến 18h chiều 10/3. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sáng ngày 10/3 đã triển khai xong Sở Chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc do đồng chí Phạm Quý Tiêu - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng. Quân khu 9 và Bộ Tham mưu Biên phòng triển khai cho các đơn vị tăng cường nắm tình hình liên quan, sẵn sàng phương tiện tham gia cứu nạn khi có lệnh.

Đến14h15 Quân chủng Hải quân điều động tàu HQ 627 xuất phát ra hiện trường để bổ sung dầu, nước cho tàu SAR 413 và đưa tổ phóng viên, tổ bảo đảm thông tin không lưu ra tàu chỉ huy hiện trường (SAR 413).

Các phương tiện tiếp tục tìm kiếm tại khu vực: trên biển phạm vi từ Vĩ độ 08o10’N - 08o40’N, từ Kinh độ 102o46’E - 103o34’E và trên không phạm vi từ 08o00’N - 09o30’N, từ Kinh độ 102o40’E - 103o45’E

Lúc 10h20, máy bay DHC 6 phát hiện tại tọa độ 07o46’30 N - 102o57’12E  (cách phía Nam Tây Nam đảo Thổ Chu/Kiên Giang 96 hải lý) một vật thể hình vuông, màu da cam, hiện chưa vớt được.

Đến 13h30, Malaysia báo máy bay Singapore quan sát phát hiện tại tọa độ 8o16’05”N - 102o51’11”E (cách phía Nam Tây Nam đảo Thổ Chu/Kiên Giang 71 hải lý) một vật thể lạ giống phao cứu sinh.

14h10, 01 máy bay hàng không trên đường L642 thông tin với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồng Công phát hiện tại tọa độ 09o32’00”N - 107o15’00”E (cách phía Nam mũi Ô Cấp/Vũng Tàu khoảng 50 hải lý), một số mảnh vỡ kim loại lớn trên mặt biển xung quanh.

Các phương tiện đã cơ động đến các vị trí  trên để xác minh, hiện chưa rõ kết quả.

Dự kiến kế hoạch tìm kiếm tiếp theo. Trên cơ sở các thông tin hiện có, điều chỉnh lại khu vực trọng tâm cần tập trung lực lượng tìm kiếm mở rộng về khu vực vị trí mất liên lạc ban đầu của máy bay và khu vực Nam Côn Đảo.

 Sử dụng phương tiện một cách hợp lý và hiệu quả đề phòng phương án phải tìm kiếm dài ngày.

Tình báo Đài Loan từng cảnh báo Malaysia?

Tin trên báo Tiền Phong dẫn nguồn tin từ  báo South China Morning Post (Hong Kong), Giám đốc Cơ quan Tình báo Đài Loan Tsai De-sheng phát biểu trước Ủy ban lập pháp của Đài Loan rằng, cơ quan tình báo này đã chuyển tới chính quyền Trung Quốc thông tin cảnh báo về các vụ tấn công khủng bố được lên kế hoạch nhằm vào sân bay Bắc Kinh và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Tuy nhiên, ông Tsai không nêu thêm chi tiết.

Tình báo Đài Loan được cho là đã nhận thông tin từ hãng hàng không Đài Loan China Airlines sau khi một người đàn ông tự giới thiệu là đang làm việc cho một tổ chức chống khủng bố ở Pháp gọi điện đến hãng cảnh báo về nguy cơ Bắc Kinh bị tấn công khủng bố.

China Airlines hôm 10/3 xác nhận cuộc gọi hôm 4/3, chỉ 3 ngày sau vụ khủng bố bằng dao ở nhà ga xe lửa Côn Minh khiến 29 người thiệt mạng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa có dấu hiệu để khẳng định cảnh báo này liên quan sự biến mất của chuyến bay MH370 của Malaysia hôm 8/3.

Một nhóm tự xưng là Lữ đoàn Tử vì đạo Trung Quốc vừa lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tai nạn máy bay. Nhóm chưa từng được biết đến này gửi một thông báo dưới dạng PDF tới nhiều nhà báo Trung Quốc hôm 9/3 có nội dung: “Các ngươi giết một người của chúng ta, chúng ta sẽ giết 100 người của các ngươi để báo thù”. Đa số báo chí Trung Quốc bày tỏ nghi ngờ hoặc bác bỏ thông điệp, cho rằng đây chỉ là trò lừa của những kẻ cơ hội muốn kích động mâu thuẫn dân tộc sau hàng loạt vụ tấn công bị chính quyền Trung Quốc cáo buộc là do người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương thực hiện.

Theo các nhà phân tích, độ tin cậy của thông báo là không rõ ràng vì nó không nêu ra chi tiết nào về cách thức máy bay gặp nạn. Thông báo dạng PDF được gửi qua dịch vụ mail Hushmail được mã hóa nên không thể hồi đáp hay truy vết.

Lỗ hổng an ninh nghiêm trọng

Interpol thông báo đang điều tra các tiêu chuẩn an ninh hàng không quốc tế của Malaysia, vì thông tin về hai hộ chiếu mà hai hành khách dùng để lên chuyến bay nằm trong cơ sở dữ liệu hộ chiếu bị đánh cắp và thất lạc của tổ chức này mà quan chức Kuala Lumpur đã không kiểm tra trước. Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói rằng, các quy trình an ninh sân bay của đất nước đang được xem lại.

Hai người đàn ông dùng hộ chiếu bị mất cắp của công dân người Ý tên là Luigi Maraldi và một người Pháp tên là Christian Kozel để đặt vé bay từ Kuala Lumpur tới Amsterdam qua Bắc Kinh, trước khi một người bay tới Copenhagen (Đan Mạch) và một người bay tới Frankfurt (Đức).

Cả hai đều đặt vé qua hãng hàng không Trung Quốc China Southern Airlines - hãng đang khai thác chung một số chuyến bay với một số hãng hàng không, trong đó có Malaysia Airlines. Hai người này mua hai vé có số ghế gần nhau. Đây là lần đầu tiên hai hộ chiếu được sử dụng từ khi chúng bị lấy cắp ở Thái Lan năm 2012 và 2013.

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi xác nhận đoạn phim cận cảnh cho thấy hai hành khách có khuôn mặt châu Á, khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao hai người châu Á dùng hộ chiếu bị mất của hai người châu Âu mà không bị cán bộ an ninh phát hiện. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Malaysia Airlines nói rằng, tất cả các bức ảnh đều khớp với hộ chiếu của hành khách.

“Nếu Malaysia Airlines và tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều kiểm tra chi tiết hộ chiếu của hành khách dựa trên cơ sở dữ liệu của Interpol thì chúng ta không phải suy đoán có phải những kẻ khủng bố đã dùng hộ chiếu đánh cắp để lên chuyến bay MH370 hay không”, Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble nói.

“Vẫn còn quá sớm để suy đoán mối liên hệ giữa các hộ chiếu bị đánh cắp và máy bay mất tích, nhưng rõ ràng là rất đáng quan ngại về việc bất kỳ hành khách nào cũng có thể lên một chuyến bay quốc tế với hộ chiếu đánh cắp đã có trong cơ sở dữ liệu của Interpol”, ông Noble nói.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Âu ở Kuala Lumpur cảnh báo, thủ đô của Malaysia là trung tâm di trú bất hợp pháp ở châu Á. Nhiều người sử dụng giấy tờ giả và đường di chuyển phức tạp, trong đó có đường đi qua Bắc Kinh hoặc Tây Phi để đến đích cuối cùng ở châu Âu.

“Mọi người không nên tự động nghĩ rằng có hai hành khách dùng hộ chiếu giả chắc chắn liên quan việc máy bay mất tích”, quan chức ngoại giao nói với Reuters.

Hai năm trước, Malaysia Airlines từng bị phạt vì cho phép một hành khách người Malaysia lên chuyến bay đến New Zealand cho dù cơ quan nhập cư New Zealand đã có lệnh cấm. Malaysia Airlines bị tòa án New Zealand phạt 5.500 đô la New Zealand (hơn 98 triệu đồng) vì nhân viên của hãng đã nhập số hộ chiếu khác vào máy tính để giúp người này tránh bị hệ thống an ninh phát hiện. Vẫn chưa rõ tại sao hành khách này bị cấm sang New Zealand, South China Morning Post đưa tin.

Hai đối tượng nghi vấn khác cũng đang được chính quyền Malaysia và các cơ quan nước ngoài, trong đó có Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), kiểm tra. Một trong hai người là hành khách Trung Quốc họ Zhao có số hộ chiếu trùng khớp với một người đàn ông 37 tuổi ở thành phố Phúc Châu mang họ Yu. Yu nói với cơ quan điều tra rằng, hộ chiếu của mình chưa từng được sử dụng và vẫn nằm trong két sắt kể từ khi anh được cấp năm 2007. Cảnh sát Phúc Châu nói rằng, số hộ chiếu trên bản kê khai của hãng hàng không có thể đã bị in nhầm. 

Các giả thuyết

Báo Tiền Phong dẫn lại thông tin từ Báo Strait Times (Singapore) ngày 9/3 nhận định, chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines có thể bị tấn công khủng bố, nổ trên không, hỏng động cơ, mất lực nâng đột ngột hoặc gặp nạn do lỗi của phi công. Giới chức Mỹ đang xem lại tất cả những hình ảnh do vệ tinh do thám của nước này chụp được để tìm bằng chứng về một vụ nổ trên không, nhưng vẫn chưa thấy manh mối nào. Reuters trích một nguồn tin trong chính phủ Mỹ nói rằng vệ tinh do thám của Mỹ có thể chụp ảnh tỉ mỉ toàn bộ khu vực.

Hôm 10/3, ông Azharuddin Abdul Rahman, Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Malaysia cho biết mọi khả năng đang được điều tra, nhưng chính quyền nước này vẫn chưa xác minh được bất kỳ dấu hiệu khả quan nào từ những mảnh vỡ mà đội tìm kiếm của Việt Nam phát hiện ra.

Một tàu tuần duyên của Trung Quốc lại vừa phát hiện “hai vệt dầu lớn” có thể liên quan chiếc máy bay xấu số, Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin hôm 10/3. Tàu tuần duyên 3411 của Trung Quốc đang lùng sục vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam cùng vài chục máy bay và tàu biển của ít nhất 8 quốc gia và đã lấy mẫu dầu loang để kiểm tra.

 

 

 

 

 

 

 

 Mai Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang