Nhà 100 triệu đồng: Dân muốn, Hà Nội có làm được không?

author 15:21 21/04/2015

(VietQ.vn) - Căn hộ 100 triệu đồng ở Bình Dương khiến nhiều người thu nhập thấp ở Hà Nội ao ước. Nhiều người dân Hà Nội đặt câu hỏi, Hà Nội có làm được như Bình Dương?

Dân lao động Hà Nội sẵn sàng mua nếu có

Đầu tháng 4, tỉnh Bình Dương khánh thành 5.000 căn nhà ở  xã hội (NƠXH) giá 100 triệu đồng với diện tích 30m2 (trong đó 20m2 sàn, 10m2 gác lửng). Các căn nhà này được phân thành từng khu. Giao thông khá thuận tiện đi lại. Mỗi khu cao 5 tầng, có 3 cầu thang bộ. Mỗi căn hộ có một khu vệ sinh, một phòng bếp. Hành lang, lối đi chung giữa 2 căn hộ là 1,4m.

Công nhân có thể mua luôn cũng có thể trả góp. Nếu trả góp, mỗi tháng sẽ trả hơn 1 triệu đồng. Số tiền này tương đương tiền thuê nhà trọ nhưng sau 5-7 năm sẽ sở hữu được căn hộ. Người dân tạm trú ở Bình Dương ít nhất 6 tháng và có 10% tiền trả là đủ điều kiện mua trả góp.

Theo các cư dân đang sống ở các căn hộ 100 triệu ở Bình Dương thì tuy căn hộ có diện tích nhỏ nhưng được thiết kế khoa học, gọn gàng, có nhà vệ sinh, góc nấu ăn, 2 chỗ dựng nệm để ngủ, không gian khá thoáng đãng, gió từ cửa sổ thổi vào mát rượi.

Kiểu nhà này rất thích hợp cho người lao động thu nhập thấp độc thân hoặc hộ gia đình mới cưới chưa có điều kiện tiếp cận và mua nhà diện tích lớn hơn.

Khi được hỏi về nhu cầu đối với loại nhà như trên với mức giá bằng hoặc thậm chí có thể đắt gấp đôi ở Hà Nội, anh Lê Đình Trung, nhân viên kế toán của một công ty tư nhân, đang thuê trọ tại khu Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội cho hay, anh rất mong muốn có loại nhà như vậy để mua. Anh Trung nói: “Nếu có loại nhà đó ở Hà Nội, tôi sẽ dồn tiền và vay mượn thêm để mua để đỡ phải thuê nhà tạm bợ như hiện tại. Khi nào có điều kiện, mình lại mua cái to hơn. Kể cả sau khi cưới vợ, hai vợ chồng ở như vậy vài năm đầu cũng được”.

Nhà 100 triệu đồng ở Bình Dương

Nhà 30m2 cả gác xép, giá 100 triệu đồng ở Bình Dương. Ảnh: News.zing.vn

Còn chị Lưu Thị Minh, người bán rau tại chợ Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội thì cho hay, nếu có nhà như vậy ở Hà Nội chị cũng sẽ vay thêm tiền để mua. Theo chị Minh, nhà chị có hai vợ chồng, vợ bán rau, chồng chạy xe ôm và đứa con đang học cấp 1, đang ở trong phòng trọ 16m2, gác xép 2m2, tiền thuê 1,5 triệu/tháng. Nếu được ở trong phòng có diện tích tới 30m2 cả gác xép là thoải mái hơn hiện tại rất nhiều. Chuyện vốn mua nhà ban đầu ở mức từ 100 – 200 triệu đồng, theo chị Minh, chị sẽ gom góp hết vốn liếng và vay mượn thêm anh, em, bạn bè rồi trả dần. “Mình chấp nhận vay rồi trả trong mấy năm, sau đó sẽ không mất tiền thuê nhà như hiện tại, mình lại có nhà, có chỗ chui ra chui vào là của mình, mình sẽ cảm thấy yên tâm làm ăn hơn nhiều. Như hoàn cảnh nhà tôi, ở mức 100 – 200 triệu như thế thì tôi sẽ cố, chứ 600 – 700 triệu như các căn chung cư hiện đang rao bán thì không biết đến cố bao giờ mới mua được”, chị Minh nói.

Hà Nội tấc đất tấc vàng, muốn làm phải có quỹ đất

Đây là quan điểm của TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi được hỏi liệu Hà Nội có thể làm được mô hình nhà 100 – 200 triệu đồng cho người lao động thu nhập thấp như ở Bình Dương không.

Ông Phạm Sỹ Liêm phân tích, nếu không tính tiền đất, tiền xây nhà hoàn toàn có thể làm 5 triệu đồng/m2. Trên Xuân Mai (Hà Nội) đã từng có nhà xây theo giá 5 triệu đồng/m2 nhưng là trên đất sẵn có. Mức 20m2, giá 100 triệu hoặc nhỉnh hơn chút không tính tiền đất là làm được. Do đó, vấn đề còn lại là đất.

Về vấn đề đất, nếu ở khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ có quỹ đất rộng hơn, quy hoạch dễ hơn. Nhưng nếu ở khu vực ngoại thành có nhà máy nào đó sẽ có người mua chứ nếu chỉ đơn giản là làm ở ngoại thành không có nhà máy lớn thì theo ông Liêm sẽ không có người mua bởi người lao động đã nghèo thì không chỉ cần ở mà còn cần phải kiếm sống. Hiện nay, người lao động nghèo chủ yếu kiếm sống trong nội thành, thậm chí họ bám lấy các chợ trong nội thành, buôn bán ở đó. “Ra ngoại thành ở thì sống bằng gì, hàng ngày đi hàng chục km hay hơn nữa thì tốn rất nhiều xăng, dầu, thời gian. Cho nên, vấn đề nhà rẻ hay đắt rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là nó ở đâu”, ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Nếu ở trong nội thành Hà Nội thì tấc đất tấc vàng nên theo nhận định của ông Phạm Sỹ Liêm, muốn làm được kiểu nhà như trên thì Nhà nước phải đứng ra cho không đất.

Giá đất do thành phố định, là nhà ở xã hội thì TP định giá đất phải rẻ đi, các dự án khác định cao hơn. “Hiện Hà Nội có quy định các dự án bất động sản phải dành 20% đất để làm nhà ở xã hội, 20% này không phải trả tiền thì có khả năng làm được. Nếu phát triển theo kiểu tòa nhà chỉ bao gồm nhà ở thì khó, nhưng chẳng hạn phát triển theo kiểu phố phường, tầng 1 và các tầng thấp bán giá rất cao để làm cửa hàng, lấy lãi đó bù cho các tầng trên thì có thể xây được nhà giá rẻ như ở Bình Dương”, ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, TP có thể xây dựng đề án và làm thí điểm, cải tạo các khu chung cư cũ theo hướng nhiều tầng ở thấp làm kinh doanh còn để một, hai tầng trên cùng làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Liêm cũng nêu vấn đề quan trọng là TP có muốn làm, có quyết tâm làm không.

Xem xét giá cả dưới góc độ các doanh nghiệp bất động sản, ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Bất động sản Hòa Phát và ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho hay, muốn xây được một căn nhà như ở Bình Dương tại Hà Nội, sẽ cần tối thiếu 200 triệu đồng.

Trần Hoài

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang