Nhận diện khó khăn, mở hướng cho ngành lâm nghiệp thời gian tới

author 15:27 07/09/2021

(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, do tận dụng tốt cơ hội thị trường, trong 8 tháng đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp đã xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7 % so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt 9,1 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm

Tại buổi giao ban trực tuyến về chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngày 7/9/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác, có nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021, đã tạo nhiều hứng khởi, yên tâm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm. Do vậy, 5 tháng đầu năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã có tăng trưởng đột phá, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD, tăng 62,9 % so với cùng kỳ năm 2020.

Chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh minh họa internet 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, chiếm khoảng trên 70% tổng số DN ngành gỗ, giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Do vậy, trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6,7,8/2021 đã giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8/2021 giảm hơn 22% so với tháng 7/2021.

Trong 8 tháng đầu năm, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90 % tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, trong đó, Hoa Kỳ đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 59,8 % so với cùng kỳ năm 2020; Nhật Bản đạt 953,1 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020; Trung Quốc 1,008  tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020; EU 782 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020; Hàn Quốc 605,2 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Về nhập khẩu, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch 2,1 tỷ USD. Trong đó, 5 thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Pháp, Chi Lê với tổng giá trị nhập khẩu chiếm khoảng 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp đã xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7 % so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, ngành lâm nghiệp đã xuất siêu 9,1 tỷ USD trong 8 tháng, đóng góp lớn cho cán cân thương mại của nền kinh tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của đất nước- Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.

Nhận diện khó khăn

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, đến nay, đã có hơn 50% doanh nghiệp chế biến gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Ồng Lê Minh Thiện- Chủ tịch Hiệp hội gỗ lâm sản Bình Định cho biết, thực tế, việc triển khai làm việc 3 tại chỗ của doanh nghiệp chế biến gỗ rất khó khăn, do cơ sở vật chất ngành gỗ chưa đáp ứng được, dẫn đến bất cập và nhiều nguy cơ xảy ra.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chế biến gỗ chủ yếu tại Bình Dương và Đồng Nai, trong khi nguồn vật tư nguyên liệu chủ yếu từ các địa phương đang có dịch căng thẳng, nên hiện các nguồn cung ứng vật tư nguyên vật liệu đang cạn kiệt dần. Các doanh nghiệp đang hy vọng, từ 15/9, khoảng 30-40% doanh nghiệp miền Nam, nhất là tại TP.HCM hoạt động trở lại để cung ứng được vật tư nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ tại các khu công nghiệp.

Thực tế thời gian qua, thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam rất tốt, do đồ gỗ chế biến của Việt Nam được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, 3 tháng qua, sụt giảm xuất khẩu là nguy cơ đáng báo động. Theo ông Lê Minh Thiện, cần phải đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho khách hàng, ít nhất là 50%, không được để đứt gãy chuỗi cung ứng cho khách hàng, cố gắng giữ chân khách hàng. Doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể với khách hàng để họ yên tâm đặt hàng trong năm 2022 sắp tới.

Một vấn đề nữa là dòng tiền để phục hồi sản xuất. Cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, theo đó, ngân hàng có chính sách ưu đãi về lãi suất, hạn mức vay… để doanh nghiệp có dòng tiền trang trải chi phí cho người lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển. Cùng với đó là vấn đề hoàn thuế đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu…

Các doanh nghiệp cũng đề nghị được miễn, giảm phí bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Và điều đặc biệt quan trọng là đề nghị tiêm đầy đủ vaccine cho người lao động, đây là yếu tốt quyết định để phục hồi sản xuất.

Xây dựng kịch bản khả thi, phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình mới

Năm 2021, ngành lâm nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn, phục hồi sản xuất để duy trì tăng trưởng ngành.

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi quy định pháp luật để được xem xét, xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, ngành lâm nghiệp cần xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất an toàn, tận dụng tốt những lợi thế về thị trường và uy tín của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng ngành lâm nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp chính là việc của mình, góp sức để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn nữa cho toàn ngành nông nghiệp riêng, cũng như cho cả nền kinh tế nói chung- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cam kết.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang