Năm 2020, ngành lâm nghiệp xuất siêu 10,5 tỷ USD

author 20:57 06/01/2021

(VietQ.vn) - Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản. Với những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp, năm 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt kim ngạch xuất khẩu 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019. Đặc biệt, ngành đã xuất siêu 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019.

Nạn phá rừng vẫn diễn biến phức tạp

Tại buổi tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chiều 6/1/2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, cả nước đã trồng 230.288ha rừng, đạt 105% kế hoạch năm, trong đó, trồng rừng đặc dụng, phòng hộ đạt 10.143ha, trồng rừng sản xuất đạt 220.145ha, đạt 105% kế hoạch; trồng cây phân tán đạt 77,4 triệu cây; chăm sóc rừng trồng đạt 540.000ha; khoanh nuôi tái sinh: 210.000ha...

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Cần tăng cường bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt thú rừng.

"Một số tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch trồng rừng là: Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình và Quảng Nam; Các tỉnh khoanh nuôi tái sinh hoàn thành và vượt kế hoạch là Khánh Hòa, Quảng Bình, Phú Yên, Sơn La và Nghệ An" - GS.TS Phạm Văn Điển nhấn mạnh.

Nhờ đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng, tỉ lệ che phủ rừng đã không ngừng tăng và đạt 42%. Năm 2020 cả số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với năm 2019. Cả nước đã phát hiện 10.931 vụ vi phạm giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại năm 2020 là 1.513ha, giảm 1.062ha so với năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng phá rừng là lấy đất trồng rừng của một số người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi; chuyển sang nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý...

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản. Tổng cục Lâm nghiệp đã luôn chủ động, thường xuyên phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, từ đó tham mưu Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế qua đó đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng ngành.

Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỉ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Đặc biệt, ngành đã xuất siêu 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019.

Bước sang năm 2021, ngành lâm nghiệp phấn đấu quyết tâm bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, ngành phấn đấu giữ tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; giảm tối thiểu 10% về số vụ vi phạm và 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.

Về phát triển rừng, ngành đặt mục tiêu trồng rừng tập trung 230.000 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng 150.000 ha/năm, trồng cây phân tán: 200 triệu cây; phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD.

Biểu dương những thành tích của ngành lâm nghiệp trong năm 2000 đầy biến động vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu trong năm 2021, toàn ngành cần chú trọng công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt thú rừng.

Theo Bộ trưởng, ngành công nghiệp chế biến gỗ của nước ta đã có bước phát triển tốt, nhưng hiện đang bị mất cân đối về vùng miền. Các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn chủ yếu ở miền Nam, trong khi miền Trung và miền Bắc rất ít, điều này làm tăng chi phí logistic. Cần phải có chiến lược cân đối vấn đề này. Cùng với đó, phải phát triển kinh tế rừng, để “không chỉ giữ được rừng, mà phải sống được với rừng”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang