Kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn chăn nuôi trên thị trường

author 06:04 27/10/2022

(VietQ.vn) - Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 01 vụ mua bán thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an huyện Chợ Gạo kiểm tra đột xuất tại 01 hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Quá trình kiểm tra, phát hiện cơ sở này không niêm yết giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 02 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi kiểm nghiệm chất lượng; kết quả, cả 02 mẫu này đều không đảm bảo chất lượng với chỉ tiêu chất lượng chất chính (Protein) chỉ đạt gần 90%, chỉ tiêu chất lượng không phải là chất chính (Vitamin C) chỉ đạt gần 55% so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn hàng hóa.

Kiểm tra thức ăn chăn nuôi vi phạm

Ngày 12/10/2022 Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên về hành vi không niêm yết giá, vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi với tổng số tiền trên 15 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 7 triệu đồng.

Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc thu hồi và tái chế lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi vi phạm trong 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Đến nay, cơ sở đã nộp tiền phạt theo quy định.

Trước tình trạng vẫn còn nhiều tỉnh, địa phương diễn ra hoạt động mua bán thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, từ đó gây ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của người nông dân, chất lượng đầu ra sản phẩm, nhằm tăng cường quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức thanh tra theo kế hoạch kết hợp thanh tra đột xuất về việc chấp hành các quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường các giải pháp kiểm soát chất cấm, kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cũng như việc thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt), chứng nhận hữu cơ…

Ngoài ra, ông Phùng Đức Tiến còn đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc ủy quyền của các đơn vị để giám sát chất lượng nguyên liệu sản xuất cũng như thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn thực phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường, qua đó xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Còn tại Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, các hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 14) như: Không có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định; Không có biện pháp kiểm soát động vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi; Không có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định; Không thực hiện phân tích chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất; Không có giải pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm; Không có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp;... bị xử phạt hành chính với mức từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh (mục b khoản 2 Điểu 14), có thể bị phạt tiền lên đến 10 triệu đồng.

Đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT bị phạt tiền cao nhất đến 15 triệu đồng.

Hành vi tẩy, xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Khoản 5, 6, 7 Điều 14 quy định các hành vi: cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có địa điểm sản xuất nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại mà không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm; sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ sản xuất; sản xuất thức ăn chăn nuôi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi với mức phạt tiền tương ứng lần lượt là: 20 triệu đến 25 triệu đồng; 25 triệu đến 30 triệu đồng; 30 triệu đến 35 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi; Đình chỉ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy các quy định: Sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT; Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có địa điểm sản xuất nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại mà không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm;…

Bảo Linh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang