Nhãn Sơn La chính thức xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh

author 16:10 28/07/2021

(VietQ.vn) - Huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) vừa tổ chức Lễ công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhãn Sơn La" và cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã – Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021.

Theo UBND tỉnh Sơn La, những năm trở lại đây, nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và nước ngoài ưa chuộng, đánh giá cao, bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Năm 2021, diện tích nhãn toàn tỉnh vào khoảng 19.224 ha tập trung tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… với sản lượng ước đạt 98.500 tấn. Trong đó, 2.200 ha nhãn với sản lượng gần 22.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, châu Âu… Riêng huyện Sông Mã có trên 7.200 ha nhãn, trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn.

Tại các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Mường Hung, Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Nậm Ty và thị trấn Sông Mã vào thời gian này sẽ bắt gặp màu vàng ruộm từ những chùm nhãn sai trĩu. Dự kiến sản lượng nhãn của huyện Sông Mã năm nay ước đạt trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh. 

Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, huyện Sông Mã đã chủ động các phương án tiêu thụ cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người dân đổi mới bao bì, nhãn mác; đưa sản phẩm nhãn lên sàn giao dịch thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn và long nhãn đến nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Bên cạnh đó, xã Chiềng Khoong, nơi được ví như thủ phủ nhãn của huyện Sông Mã, các thành viên HTX Hoa Mười phấn khởi khi vừa xuất bán 2,5 tấn nhãn chín sớm sang thị trường trường EU và Vương quốc Anh.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Hoa Mười thông tin: HTX có 11 thành viên với 30 ha nhãn; trong đó, 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để có những chùm nhãn mẫu mã đẹp, chất lượng, thơm ngon đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà con xã viên đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nhãn theo VietGAP. Nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng năm nay ước đạt 200 tấn quả tươi, trong đó 50 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năm nay là năm đầu tiên Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa thu mua nhãn tại Sông Mã và chọn HTX Hoa Mười là đơn vị liên kết, cung cấp nhãn. Trực tiếp có mặt tại vườn nhãn của HTX Hoa Mười theo dõi, đánh giá, lựa chọn nhãn đạt chất lượng để xuất khẩu, ông Vũ Ngọc Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao chất lượng nhãn của HTX Hoa Mười, quả nhãn to, cùi dày và đậm vị ngọt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và thị trường Vương quốc Anh. Sau lô nhãn xuất khẩu đầu tiên này, Công ty cam kết tiếp tục thu mua hơn 40 tấn nhãn quả tươi của HTX Hoa Mười để tiếp tục xuất khẩu".

 Người dân thu hoạch nhãn tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, hiện đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, huyện Sông Mã đã có các phương án tiêu thụ nhãn cho người dân là xuất bán dưới dạng quả tươi và đẩy mạnh chế biến long nhãn sấy khô. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối, hệ thống siêu thị, các tỉnh đến khảo sát vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu quả tươi sang thị trường các nước EU, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Úc, Mỹ và Hàn Quốc, Nhật bản và UAE. Từ đó, ngày càng khẳng định được thương hiệu nhãn Sông Mã trên thị trường trong và ngoài nước.

Vì vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nhãn quả tươi, long nhãn được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để phát triển thương hiệu, nâng cao vị thế, danh tiếng, qua đó phát triển các vùng chuyên canh trồng, chế biến và kinh doanh sản phẩm nhãn trên địa bàn của tỉnh Sơn La.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản ra thị trường quốc tế. Đứng trước thực trạng này, tỉnh Sơn La đã kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tuyển chọn các sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm nhãn Sơn La.

Diệu Hương (T/h

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) gồm tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tiêu chuẩn/ quy phạm VietGAP được biên soạn dựa trên quy định của luật pháp Việt Nam (Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước,...), hướng dẫn của FAO và tham khảo quy định tại các tiêu chuẩn AseanGAP, GlobalGAP, EurepGAP, HACCP.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang