Nhập nhèm áo thoát nhiệt giá rẻ

author 14:26 30/04/2014

(VietQ.vn) - Mùa đông có áo sinh nhiệt, mùa hè có áo thoát nhiệt, xu hướng "ăn theo" thời tiết của các nhà sản xuất thời trang đang thu hút được nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngoài chất liệu mềm mịn, thoáng mát, áo thoát nhiệt còn được quảng cáo được dệt bằng công nghệ nano trong khi giá chỉ có vài chục nghìn đồng/sản phẩm đã khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi?

Áo thoát nhiệt giá rẻ được rao bán từ 75 -85.000 đồng/sản phẩm

Áo thoát nhiệt giá rẻ được rao bán từ 75 -85.000 đồng/sản phẩm

"Thoát nhiệt" đến đâu?

Bắt đầu mùa nắng nóng, các sản phẩm chống nóng cũng bắt đầu sôi động trên thị trường. Không chỉ có các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt...một số các sản phẩm tưởng như bình thường nay cũng được người bán khoác những "mĩ từ" như "chiếu điều hòa", "áo thoát nhiệt"... để thu hút khách.

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, trên các trang web bán hàng trực tuyến và một số đại lý bán buôn quần áo thời trang tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đang xuất hiện một loại áo được gọi là "áo thoát nhiệt". Loại áo này được người bán quảng cáo có chất liệu mềm mịn, thấm hút tốt, đặc biệt được dệt bằng công nghệ nano, giá cho mỗi sản phẩm giao động từ 75.000 - 85.000 đồng.

Áo thoát nhiệt được đóng gói thành từng cuộn có nhãn giấy bọc xung quanh với nhiều thương hiệu màu sắc khác nhau như: Zara,Mango,Lands'End. Hầu hết các sản phẩm này đều được người bán cho là "hàng Việt Nam xuất khẩu".

Anh Vũ Ngọc Tân (Giang Văn Minh, Kim Mã, HN), người chuyên bỏ mối đồ thời trang tại chợ Đồng Xuân cho biết, năm nay áo thoát nhiệt được khá nhiều shop săn đón. Mới bắt đầu vào mùa nóng loại áo này cũng đã rất đắt hàng. Khi được hỏi về nguồn gốc và chất liệu có thật sự "thoát nhiệt" hay không, anh Tân nói: "Gọi thế cho dễ bán chứ ai biết có "thoát" không".

Theo anh Tân, đi mua đồ quần áo giá rẻ thì đừng quan tâm đến nguồn gốc làm gì, bây giờ hàng Việt Nam xuất khẩu tràn chợ nhưng mấy ai để ý nó đến từ đâu đâu, khách hàng mua chủ yếu quan tâm đến kiểu dáng và chất liệu. Nhưng đúng là loại áo thoát nhiệt này mặc rất mát nên dễ bán.

Chia sẻ trên diễn đàn LCM, nhiều chị em tỏ ra nghi ngờ về công nghệ dệt được quảng cáo của các shop bán hàng. Thành viên Hà T.Anh cho rằng, loại áo thoát nhiệt đang được quảng cáo là dệt bằng công nghệ nano chỉ là chiêu thu hút khách hàng.

"Dạo này thấy quảng cáo áo thoát nhiệt nhiều quá. Có mấy chục nghìn một chiếc mà nói  áo được dệt bằng công nghệ nano, các bạn bán thì cứ bán nhưng quảng cáo vống lên như thế nghe cứ thấy thế nào. Nano gì mà mặc vài lần giặt là đã thấy nhàu nhĩ, phai màu...", T. Anh viết.

Đồng ý với quan điểm của T.Anh, thành viên Thảo Mi cũng cho rằng, loại áo thoát nhiệt này chẳng có gì đặc biệt ngoài chất vải mềm mát, "thoát nhiệt" chỉ là cách gọi cho "sang".

Được biết, trên thị trường hiện nay, bên cạnh loại áo thoát nhiện giá rẻ còn xuất hiện một loại áo thoát nhiệt được quảng cáo là xuất xứ Nhật được rao bán gần 300.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, loại áo này có nhiều xuất xứ, cho dù có được "xách" từ Nhật.

Áo thoát nhiệt được qảng cáo nhập từ Nhật BảnÁo thoát nhiệt được qảng cáo nhập từ Nhật Bản

Mất tiền mua hàng "đểu"

Theo tìm hiểu, áo thoát nhiệt giá rẻ  xuất hiện trên thị trường từ năm 2013 và thực chất chỉ là một loại áo với chất liệu vải thông thường còn có tên gọi khác là "áo thun cuộn".  Các loại áo này được các chủ hàng đặt từ Trung Quốc, đóng mác Việt Nam cùng với những tên của các hãng thời trang nổi tiếng như Zara,Mango,Lands'End... sau đó mang về Việt Nam tiêu thụ.

Đánh vào tâm lý thích các sản phẩm có chức năng "độc lạ" lại phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng mùa nắng nóng nên các tiểu thương cứ tha hồ quảng cáo cho sản phẩm. "Vấn đề là người bán lại cứ nhập nhèm với hàng Nhật, thấy họ nói có công nghệ này nọ thì cũng quảng cáo cho sản phẩm của mình, cũng chả biết có phải hàng do Việt Nam sản xuất hay không nhưng theo mình biết thì tại Việt Nam đã có không nghệ dệt nano đâu", Thảo Mi thắc mắc.

Chị Thu (Giảng Võ, Ba Đình, HN) cho biết, chị cũng "vỡ mộng" khi mua phải áo thoát nhiệt trên một trang bán hàng trực tuyến. "Rõ ràng là được chủ shop cho lựa chọn sản phẩm trên đường link của hãng ở Nhật, thế nhưng khi sản phẩm về đến tay thì chán hẳn, mác có chữ Nhật nhưng lại là "made in China", chất lượng không có gì khác biệt với sản phẩm cùng loại mua ở trong nước nhưng giá thì đắt gấp đôi", chị Thu nói.

Theo đại diện Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP HCM (AFCA), tình trạng gian lận chất lượng hàng hóa diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thời trang trên các trang bán trực tuyến. "Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ các sản phẩm trước khi đặt mua, nếu cần thiết phải có sự cam kết để có thể đổi trả nếu sản phẩm không đúng như quảng cáo", đại diện AFCA khuyên.

Uyên Chi


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang