Nhập viện do tự ý dùng thuốc điều trị mất ngủ

author 06:37 28/03/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã điều trị cho một cụ bà 73 tuổi với triệu chứng liên tục cảm thấy sợ hãi, lo lắng, kèm theo cơn hoảng loạn kèm đau đầu, vã mồ hôi... sau khi tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết khoảng một tuần nay, cụ bà khó vào giấc, dễ tỉnh, có hôm thức trắng đêm khiến sức khỏe sa sút. Bệnh nhân tự dùng một loại thuốc ngủ (không rõ tên) để cải thiện tình trạng.

Tuy nhiên, sau vài ngày sử dụng, bà xuất hiện dấu hiệu lo lắng, hồi hộp quá mức, thi thoảng có những cơ hoảng loạn kèm sợ hãi. Khi đến khám, bác sĩ Hải phát hiện loại thuốc ngủ bệnh nhân tự ý dùng là một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), gây rối loạn lo âu. Loại thuốc này khi sử dụng phải có chỉ định và sự theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ do chúng có nhiều tác dụng phụ.

Bệnh nhân được điều trị châm cứu kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, đắp ngải, điện châm và điều chỉnh cắt thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, sau 5 ngày, người bệnh vẫn còn cảm giác bồn chồn, lo lắng nhiều và khó đi vào giấc ngủ. Bà tiếp tục được điều trị theo hướng hoạt huyết, thông kinh, an thần. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định, ngủ tốt hơn. Theo bác sĩ, rối loạn giấc ngủ có thể là hậu quả của stress, căng thẳng kéo dài, hoặc mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, cao huyết áp, hen phế quản, viêm khớp.

"Nguyên tắc là phải điều trị nguyên nhân, không phải điều trị triệu chứng", ông Hải nói, thêm rằng thay vì tìm hiểu nguyên nhân, thay đổi lối sống để cải thiện giấc ngủ, thì nhiều người chọn cách tự mua thuốc an thần về uống. Theo bác sĩ Hải, hiện thị trường có nhiều loại thuốc được gán mác an thần, trị mất ngủ không rõ nguồn gốc. Một số loại thuốc có tác dụng làm giảm hoạt động của các tế bào thần kinh trong não, gây cảm giác buồn ngủ. Việc sử dụng không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể gây nhờn, kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị rối loạn giấc ngủ vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, thuốc có thể gây tác dụng phụ khiến người bệnh lo âu, trầm cảm, thậm chí tử vong nếu dùng quá liều.

Bác sĩ khuyến cáo khi muốn chữa hay điều chỉnh giấc ngủ, người bệnh không được tự mua thuốc uống mà nên đi khám, xác định nguyên nhân và làm theo hướng dẫn bác sĩ. Đã có nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc, sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da, nặng thì sốt, hôn mê... Cần nhớ rằng, mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai, cho dù là những người cùng trong một gia đình. Chính vì vậy mà bệnh nhân phải cần tới sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ, dược sĩ.

Thuốc ngủ có thể gây tác dụng phụ khiến người bệnh lo âu, trầm cảm, thậm chí tử vong nếu dùng quá liều. Ảnh minh họa

Không hẳn chỉ tác động về mặt sức khỏe và tính mạng, sự tự ý dùng thuốc cũng sẽ tác động vào “túi tiền” của bệnh nhân. Có một số bệnh, thực ra chỉ cần dùng những loại thuốc đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả thì bệnh nhân lại nghe theo đồng nghiệp, bạn bè, đi tìm mua thuốc “hàng hiệu”. Điều này thật sự không cần thiết. Hơn nữa dùng thuốc không đúng “hệ” thì càng làm cho bệnh lâu lành. Việc tự dùng thuốc càng vô cùng nguy hiểm khi điều trị các chứng trầm cảm, lo âu. Khuynh hướng sử dụng thuốc chống lo âu trước ngày thi ngày một tăng trong giới sinh viên học sinh. Nhiều trường hợp bị kích động, dẫn đến có hành vi bạo lực do tự dùng loại thuốc này.

Tự ý sử dụng thuốc còn dẫn đến hậu quả là nghiện thuốc. Tai hại càng tăng thêm khi người sử dụng thuốc không hiểu được sự tương tác giữa thuốc này với thuốc kia, sự tương tác giữa dược phẩm với thực phẩm, rượu bia... Đã có trường hợp một bệnh nhân uống thuốc aspirin khi bụng đói, hậu quả là xuất huyết bao tử.

Những dạng thuốc khác thường được sử dụng là các loại kem dưỡng da. Đừng nghĩ rằng thuốc bôi ngoài da là vô hại. Thuốc bôi qua da cũng sẽ đi vào hệ tuần hoàn máu. Trong các loại kem thoa da có chứa rất nhiều hóa chất vốn là “bạn” đối với da người này nhưng lại là “thù” đối với người khác. Khi có bệnh, cần tập thói quen đi khám bệnh để được hướng dẫn dùng thuốc. Cũng cần giáo dục con cái về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc, không uống thuốc theo kiểu “truyền tai” từ bạn bè.

Các nhà thuốc cần phải có dược sĩ túc trực để tư vấn cho bệnh nhân về những loại thuốc không cần có toa bác sĩ. Riêng các loại thuốc bắt buộc kê toa, nhà thuốc cũng cần từ chối bán cho khách hàng. Điều này nghe có vẻ khó thực hiện trong điều kiện hành nghề y dược ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, mạng người là trên hết.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang