Nhật Bản sắp thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 dạng xịt mũi

author 16:23 01/10/2021

(VietQ.vn) - Công ty Dược phẩm Shionogi của Nhật Bản cho biết sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi, bắt đầu từ năm 2022.

Trong nỗ lực nhằm khống chế dịch COVID-19, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vaccine dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. Một trong số các quốc gia tiên phong là Nhật Bản.

Theo TTXVN tại Nhật Bản, tháng 7 vừa qua, Công ty Dược phẩm Shionogi đã thông báo ký kết hợp đồng sử dụng kỹ thuật bản quyền của công ty khởi nghiệp HanaVax thuộc Đại học Tokyo để phát triển vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt. Theo Shionogi, vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt có điểm tiện ích hơn so với dạng tiêm là dễ sử dụng tại khu vực có hệ thống y tế chưa đầy đủ, việc đảm bảo nhân viên y tế có kỹ thuật tiêm chủng gặp khó khăn.

 Các nhà nghiên cứu đang đẩy mạnh phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt. Ảnh minh họa

Ngoài vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt, Công ty Dược phẩm Shionogi hiện đang phát triển vaccine ngừa Covid-19 dạng tiêm và thuốc điều trị Covid-19 đường uống. Đối với vaccine dạng tiêm, Shionogi cho biết đang trong quá trình đánh giá hiệu quả mũi tiêm bổ sung ở trong, ngoài nước và đặt mục tiêu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trong năm 2021, chính thức thương mại hóa trước tháng 3/2022.

Đối với thuốc điều trị Covid-19, Shionogi đang phát triển thuốc ngăn chặn hoạt động của các Enzym cần thiết để virus phát triển và được sử dụng ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh, giúp cải thiện các triệu chứng ho, sốt…, ngăn ngừa nguy cơ diễn tiến bệnh nặng. Bệnh nhân sẽ được uống thuốc 1 lần/ngày liên tục trong 5 ngày. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 7 vừa qua, thuốc điều trị Covid-19 của Shionogi được sử dụng cho 75 bệnh nhân có sức khỏe tốt, trong độ tuổi từ 20 đến dưới 55.

Ở thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 bắt đầu từ cuối tháng 9, Shionogi sẽ kiểm nghiệm mức độ hiệu quả dựa trên các thông số như thời gian hồi phục của bệnh nhân, tỷ lệ sốt của người mắc Covid-19 không biểu hiện triệu chứng… Cùng với phát triển thuốc, Shionogi cũng đang thúc đẩy triển khai các cơ sở bào chế thuốc với mục tiêu đảm bảo hệ thống sản xuất được lượng thuốc đủ cung ứng cho 1 triệu người.

Cũng theo các nhà khoa học, trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vaccine dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch.

Theo đó, các loại vaccine hiện có cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại triệu chứng nặng của COVID-19, nhưng dường như chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan. Sự kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khả năng bị virus lây nhiễm xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng virus thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng ít hơn. Bên cạnh đó, vaccine xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.

Trong nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột vừa được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vaccine đã sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vaccine đều chết. WHO cho biết các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại vaccine xịt mũi nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong số này nổi bật là vaccine dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.

Vaccine tiêm ở bắp tay tạo ra các phản ứng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể, không nhắm mục tiêu cụ thể vào vùng lây nhiễm của virus. Trong khi đó, vaccine dạng hít nhắm mục tiêu cụ thể vào các bề mặt niêm mạc mũi, họng và phổi, điểm xâm nhập của virus, để tạo ra phản ứng miễn dịch.

Vaccine COVID-19 được tiêm ở bắp tay thường yêu cầu bảo quản lạnh và nhân viên y tế phải được đào tạo để tiêm cho người dân. Đây được xem là khó khăn đối với các nước có nền công nghiệp kém phát triển và khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, vaccine dạng xịt có thể được sử dụng thông qua các thiết bị dùng 1 lần mà không cần nhân viên được đào tạo. Điều này giúp chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể triển khai dễ dàng hơn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang