Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá thịt lợn

author 07:22 17/02/2020

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá thịt lợn xuống mức 72.000-75.000 đồng/kg sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo đó, ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có cuộc làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành để nằm bắt tình hình phòng ngừa dịch cúm gia cầm và dịch bệnh trên lợn cũng như chuyện tái đàn lợn. Điều đáng chú ý, tại cuộc làm việc, nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đồng loạt khẳng định, sau khi có sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp đã giảm giá lợn liên tục trong vòng 1 tháng, từ 85.000 đồng/kg xuống 78.000 đồng/kg. Mới đây nhất, ngày 16/2, C.P giảm tiếp 3.000 đồng/kg xuống còn 72.000 - 75.000 đồng/kg.

Liên quan đến giá thịt lợn cao, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, để chăn nuôi an toàn sinh học chi phí lên rất cao. Hiện giá thành sản xuất con giống không dưới 1,2 triệu đồng/con. Còn tính giá thành lợn thương phẩm hiện xấp xỉ 55.000 đồng/kg.

Theo ông So, tập đoàn đã thực hiện chỉ đạo việc đưa giá thực phẩm ổn định, bền vững. Bởi vậy, giá lợn hơi hiện nay nơi cao nhất của doanh nghiệp là 76.000 đồng/kg, thấp nhất 73.000 đồng/kg tùy theo vùng và trung bình khoảng 75.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam lại cho biết, trước Tết có thời điểm giá lợn hơi tăng lên trên 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhằm chia sẻ với người chăn nuôi, người tiêu dùng cả nước, C.P giữ giá lợn không vượt quá 85.000 đồng/kg.

Phát biểu quan điểm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp giảm giá lợn chính là vì tương lai của ngành chăn nuôi, của chính các doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Bởi việc giá lợn hơi quá cao không chỉ ảnh hưởng xấu tới chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát mà còn hệ lụy tới nhiều lĩnh vực khác.

Theo người đứng đầu Bộ NN&PTNT, việc các DN nâng giá lợn quá cao có thể khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát dẫn tới mất cân đối cung cầu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn xảy ra lác đác tại một số tỉnh, thành.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc bảo vệ thị trường chăn nuôi bền vững là trách nhiệm của các DN. Ông viện dẫn, nếu giá lợn cứ tăng thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại. Việc giữ mức giá thịt lợn quá cao trên thị trường so với các mặt hàng khác, nếu không kiểm soát được và kéo dài thì sau này muốn lấy lại thị trường ổn định cũng rất khó.

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá thịt lợn

 Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá thịt lợn.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng BCĐ điều hành giá về tình hình giá cả dịp Tết nguyên đán và điều hành giá quý I/2020, thông báo nêu rõ, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2002, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá và biến động giá bất thường. Tuy nhiên, tình hình mặt bằng giá ngay từ đầu năm đã có những diễn biến mới, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng khá cao ở mức 1,23%, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Nguyên nhân đặc biệt là do những tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và giá thịt lợn, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 8,29% so với tháng 12/2019 và vẫn đứng ở mức rất cao đã tác động nhiều vào CPI tháng 1

Trước những khó khăn thách thức trong công tác điều hành giá ngay từ đầu năm 2020, Ban chỉ đạo điều hành giá vẫn quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội. Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ.

Đối với mặt hàng thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu: Kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công khai minh bạch chi phí, giá thành, giá bán; đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông, phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì báo cáo đầy đủ về tình hình đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho quý I, 6 tháng đầu năm và cả năm 2020, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt lợn, tình hình thiệt hại và hỗ trợ kinh phí do dịch tả lợn châu Phi đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi… báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trước ngày 6/2/2020. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện chủ trương nhập khoảng 100 nghìn tấn thịt lợn thành phẩm trong quý I năm 2020 để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau Tết.

Bộ Công Thương chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại, nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá, thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá kết quả thực hiện trong quý I năm 2020.

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế các cấp trong quý I năm 2020 thực hiện kiểm tra quyết toán thuế theo quy định của pháp luật để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành lợi nhuận nộp NSNN của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn thuộc mọi thành phần kinh tế có thị phần lớn, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang