Nhiều “gã khổng lồ” tham gia chuỗi sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế 2023 tại TP HCM

author 16:17 24/07/2023

(VietQ.vn) - Tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối các nhà cung ứng quốc tế- Viet Nam International Sourcing 2023” tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh nhiều “gã khổng lồ” như: Walmart, Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…, sự kiện cũng có sự góp mặt của khoảng 150 đoàn thu mua quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam để tìm kiếm đối tác mua hàng.

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện nhằm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/ 2022, được Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tổ chức.

 Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) sẽ diễn ra từ 13 đến 15/9/2023 tại TP Hồ Chí Minh

Tham gia sự kiện lớn này, có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sẽ tham gia Viet Nam International Sourcing 2023, như Walmart, Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…

Được biết, đoàn Walmart sẽ do ông Avineesh Gupta- Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh dẫn đầu tham dự chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023 sắp tới.

Ông lớn trong ngành bán lẻ Hoa Kỳ sẽ tập trung thu mua sản phẩm tại 6 ngành hàng chính, bao gồm: Quần áo và phụ kiện, Giày dép, Hàng dệt may và phụ kiện, Điện tử gia dụng, Đồ nội thất, Thực phẩm và Hàng tiêu dùng.

Walmart đồng thời cũng đưa ra hàng loạt lời khuyên cho doanh nghiệp Việt có mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị của Tập đoàn. Theo đó, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi, đó là: Xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, Giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic, Năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, Walmart cũng chia sẻ những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam đó chính là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Bên cạnh các tập đoàn lớn, sự kiện cũng có sự góp mặt của khoảng 150 đoàn thu mua quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam để tìm kiếm đối tác mua hàng trong nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm, Dệt may, Giày dép, ba lô, túi xách, Đồ thể thao và dã ngoại, Đồ gia dụng và nội thất, Công nghiệp hỗ trợ...

Đặc biệt, Chuỗi sự kiện ghi nhận sự vào cuộc chưa từng có của hơn 60 Thương vụ/chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, thông qua các hoạt động quảng bá sự kiện tại nước sở tại để tạo sức lan tỏa tới các nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu- cho biết, Thương vụ Việt Nam dự kiến tổ chức đoàn thu mua với hơn 10 doanh nghiệp Bắc Âu về tham dự sự kiện lần này. Ngoài ra, đối tác mua hàng tiềm năng như IKEA, H&M dự kiến sẽ cử đại diện mua hàng của họ ở khu vực châu Á và ở Việt Nam tham dự sự kiện. Các doanh nghiệp Thuỵ điển mong muốn được gặp gỡ giao thương tại Triển lãm với các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, đã đạt các chứng chỉ quốc tế, ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như thực phẩm, dệt may, giày dép, đồ thể thao, đồ gia dụng và nội thất...

Đặc biệt, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu tham dự sự kiện Viet Nam International Sourcing lần này có Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất khu vực Bắc Âu. Đây cũng là cảng biển duy nhất trong khu vực Bắc Âu có thể tiếp nhận các tàu nước sâu lớn nhất thế giới; Là cảng trung tâm về năng lượng của khu vực Bắc Âu; Có hệ thống vận tải đường sắt, với 35 tuyến đường/ngày đến Oslo và các thành phố của Thụy Điển…

Hiện nay, hàng hóa Việt Nam vào thị trường Thụy Điển thường được nhập khẩu qua các đầu mối trung gian tại các nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan. Do vậy, nếu thúc đẩy được hợp tác cảng biển và hàng không, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được vận chuyển trực tiếp, không qua các nước trung gian, sẽ giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung.

“Cảng Gothenburg tham dự hội chợ lần này để tìm các nhà cung ứng uy tín cho khách hàng của họ để tăng dịch vụ vận chuyển qua cảng. Họ muốn có khách vận chuyển từ hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đồng nghĩa với việc họ hỗ trợ chúng ta xúc tiến thương mại”- bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho hay.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang