Nhiều tựa game top đầu trên App Store là lừa đảo

author 18:36 09/06/2021

(VietQ.vn) - Trong số 1.000 ứng dụng có doanh thu cao nhất trên App Store, gần 2% ứng dụng có nội dung lừa đảo, bào gồm cả những tựa game ở top đầu.

Một số ứng dụng độc hại được trích dẫn bao gồm các VPN thông báo sai cho người dùng rằng họ đã bị nhiễm virus để lừa họ mua phần mềm không cần thiết. Ngoài ra trong danh sách còn có các ứng dụng hẹn hò, trình đọc QR và các ứng dụng giả mạo các thương hiệu lớn như Amazon hoặc Samsung. Một số đã sử dụng các đánh giá giả mạo của khách hàng để thăng hạng trong bảng xếp hạng App Store.

Ước tính từ tờ Washington Post cho thấy, các ứng dụng có thể đã lừa gạt người dùng với số tiền 48 triệu USD. Apple đã xóa 12 trong số 18 ứng dụng sau khi chúng bị gắn cờ.

“Chúng tôi yêu cầu các nhà phát triển tuân theo các tiêu chuẩn cao để giữ cho App Store là một nơi an toàn và đáng tin cậy để khách hàng tải phần mềm xuống và chúng tôi sẽ luôn hành động chống lại các ứng dụng gây hại cho người dùng. Apple dẫn đầu ngành với các phương pháp đặt sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu và chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi, phát triển các phương pháp của mình và đầu tư các nguồn lực cần thiết để đảm bảo khách hàng được cung cấp trải nghiệm tốt nhất”, phát ngôn viên Apple nói.

Apple cũng cho biết họ đã chặn 1,5 tỉ USD trong các giao dịch có khả năng gian lận chỉ trong năm ngoái, đồng thời nói thêm rằng họ thường bắt được các vụ lừa đảo trong vòng một tháng khi chúng xuất hiện trên cửa hàng.

Nhiều tựa game trên App Store chứa nội dung lừa đảo 

Trước đó, tờ Forbes cũng đã đề cập tới việc có 32 chương trình cung cấp các dịch vụ khác nhau của App Store bị phát hiện tính phí người dùng.

Nhóm chuyên gia tại công ty bảo mật phần cứng và phần mềm Sophos (Anh) đã miêu tả các ứng dụng trên thuộc dạng “độc hại”, hoạt động dựa trên quan niệm chủ quan của người dùng rằng “thiết bị của Apple và kho ứng dụng App Store được bảo mật kỹ càng”. Một số phần mềm hiện thuộc nhóm mang lại doanh thu cao nhất trên App Store và 32 phần mềm có tổng cộng khoảng 3,6 triệu lượt tải.

“Rất nhiều trong số ứng dụng này tính phí người dùng lên tới 30 USD mỗi tháng hay 9 USD một tuần sau giai đoạn dùng thử kéo dài từ 3 tới 7 ngày. Nếu người dùng không để ý và vẫn tiếp tục trả phí thuê bao dạng này trong khoảng một năm, họ sẽ mất từ 360 USD tới 468 USD”, đại diện Sophos nói.

Apple siết chặt quy định trên nền tảng của mình để các nhà phát triển ứng dụng phải tuân theo, nhưng Sophos nghi ngờ liệu 32 ứng dụng trên có tính năng đặc biệt nào hơn với các chương trình khác để xuất hiện trên App Store.

Theo phía Sophos, không khó để hiểu lý do vì sao người dùng bị lừa gạt. Nhiều ứng dụng lừa tiền đang được quảng cáo dưới vỏ bọc chương trình miễn phí trên App Store. Tất cả đều dẫn dụ người dùng tải về máy với suy nghĩ không phải trả phí, nhưng sẽ tiến hành đòi thông tin thanh toán khi họ quyết định tiếp tục dùng phần mềm. Lúc này, nạn nhân thường nhập thông tin ngân hàng, bỏ qua mức phí thuê bao đầy vô lý với tư duy “Mình sẽ xóa ứng dụng trước khi tới thời điểm trả tiền”.

Nhưng họ quên hoặc không biết rằng dù Android hay iOS, người dùng đều cần phải thực hiện các bước hủy đăng ký thuê bao chứ không chỉ đơn giản là xóa ứng dụng khỏi máy. Thao tác xóa ứng dụng chỉ giúp người dùng không nhìn thấy phần mềm trên máy nhưng gói thuê bao thì vẫn tiếp tục trừ tiền định kỳ.

Sophos đặc biệt lưu ý tới hai ứng dụng Zodia Master Plus và Lucky Life-Future Seer, hai “con gà đẻ trứng vàng” cho nhà phát triển, mang về doanh thu vượt trội so với các chương trình hợp pháp phổ biến khác trên App Store. Hãng công bố danh sách các phần mềm lừa đảo, trong đó có những chương trình đạt doanh thu tới 700.000 USD. Tổng số tiền các ứng dụng này đã lừa người dùng lên tới 4,64 triệu USD.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang