Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có kiểm soát để tránh những nguy cơ mất an toàn

author 16:23 04/12/2023

(VietQ.vn) - Nhờ chuyển đổi số con người có thể dễ dàng được kết nối với nhau, được tiếp cận thông tin nhanh chóng trên không gian mạng tuy nhiên đây cũng là nơi nhiều 'cạm bẫy' phải đối mặt.

Sự kiện: CHUYỂN ĐỔI SỐ

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Trong khi đó đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhờ chuyển đổi số con người có thể dễ dàng được kết nối với nhau, được tiếp cận thông tin nhanh chóng và miễn phí, được học hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng mới. Tuy nhiên, cùng với đó thì việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh mạng còn chưa nghiêm; tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới; các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền những thông tin chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy mọi người tham gia trên không gian mạng cần cảnh giác trước các “cạm bẩy” đặt ra. 

Lừa đảo qua hack tài khoản mạng xã hội

Đối tượng thực hiện thao tác chiếm quyền sử dụng tài khoản các mạng xã hội như: Facebook, Zalo sau đó mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho những người thân, người quen biết trên mạng xã hội để mượn tiền hoặc nhờ nạn nhân chuyển tiền vào một số tài khoản khác với nhiều lý do khác nhau. Với thủ đoạn này, nạn nhân thường không nghi ngờ vì nghĩ đúng là người thân của mình đang cần giúp đỡ nên đã tin tưởng chuyển tiền mà không cần liên lạc trực tiếp kiểm tra.

Lừa đảo qua gửi nhận quà từ nước ngoài

Qua mạng các trang mạng xã hội, đối tượng làm quen với nạn nhân, sau thời gian trò chuyện, tạo dựng niềm tin sẽ lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng nhờ nhận, quản lý, lưu giữ. Khi nạn nhân đồng ý, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan. Vì nhẹ dạ, bị hấp dẫn bởi món quà giá trị cao, nhiều người đã mắc bẫy, chuyển tiền nhiều lần cho tội phạm, chỉ tới khi bị mất số tiền lớn, nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa đảo.

Lừa đảo qua vay tiền online

Các đối tượng lừa đảo giả danh là nhân viên của các công ty tài chính tìm cách tiếp cận người cần vay tiền thông qua các hình thức gọi điện, nhắn tin đến số điện thoại hoặc đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… Khi có người vay tiếp cận, chúng sẽ yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: Họ tên, số điện thoại, ảnh chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, ảnh chụp chân dung… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nhiều hình thức lừa đảo người dùng trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa

Giả danh ngân hàng để lừa đảo

Đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho nạn nhân thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị nạn nhân cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng là một khoản tiền có giá trị lớn từ ngân hàng; sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản và chuyển tiền sang tài khoản bọn chúng để chiếm đoạt.

Lừa đảo qua đầu tư các sàn tiền ảo

Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo tài khoản mạng xã hội khoe mẻ giàu có, thu nhập ổn định rồi kết bạn, làm quen với nạn nhân. Sau đó tương tác, giới thiệu, kêu gọi đầu tư tài chính nhưng thực chất là tham gia các sàn giao dịch điện tử. Một vài lần giao dịch đầu tiên, nạn nhân sẽ có một số lợi nhuận nhỏ nhưng đến khi nạn nhân đã tin tưởng, các đối tượng lừa đảo dẫn dụ bỏ ra số tiền đầu tư lớn, sau khi huy động được số vốn nhất định, các đối tượng sẽ đánh sập sàn và chiếm đoạt tiền đầu tư của nạn nhân.

Lừa đảo bán hàng đa cấp trực tuyến

Các đối tượng lừa đảo lập các trang mạng xã hội để bán các mặt hàng như: mỹ phẩm, nước hoa… Chúng thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác trên mạng xã hội để tuyển cộng tác viên bán hàng. Một bộ phận người dân vì ham lợi nhuận, thiếu hiểu biết về công nghệ bị lôi kéo tham gia cộng tác viên, phải bỏ tiền ra mua hàng của các đường dây lừa đảo, nhưng sau đó không bán được, phải “ôm” hàng kém chất lượng với trị giá hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Lừa đảo qua dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook bị mất

Các đối tượng lừa đảo sẽ chủ động tìm thông tin để liên lạc với nạn nhân hoặc thông qua quảng cáo dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook bị mất, qua đó, bọn chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, địa chỉ e-mail, mã OTP, hoặc thông tin thẻ tín dụng để xác minh danh tính lấy lại tài khoản, các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân phải đóng một khoản tiền phí nhưng sau khi đạt được mục đích, bọn chúng lập tức ngắt liên lạc với nạn nhân.

Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

Theo Tổng cục Quản lý thị trường- Bộ Công Thương, nhiều cơ sở kinh doanh trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Các cuộc gọi quấy rối, quảng cáo xuất hiện ngày càng nhiều

Thời gian gần đây, trên không gian mạng ngày càng xuất hiện thêm nhiều hình thức gọi điện quấy rối, quảng cáo... Đây là hệ quả từ việc ý thức bảo vệ dữ liệu thông tin của một bộ phận người dân chưa cao. Theo thống kê, hiện số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã đạt trên 70% dân số và dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức khác nhau.

Các hành vi “lệch chuẩn” trên không gian mạng

Không ít người đã và đang có biểu hiện của sự “tha hóa”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thường xuyên có cái nhìn tiêu cực đối với mọi vấn đề, một số người chỉ vì muốn tăng lượng tương tác, muốn thỏa mãn “quyền lực ảo” trên mạng xã hội mà đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho những thủ đoạn công kích, chống phá của các đối tượng xấu, từ đó lan truyền những ý kiến bất mãn, những góc nhìn phiến diện, sai sự thật trên không gian mạng. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những nguy cơ kể trên là do người dùng dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng, xem không gian mạng là môi trường sống của mình.

Cảnh báo thủ đoạn thông báo "sai dữ liệu dân cư" nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân

Công an TP. Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về việc xuất hiện thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao giả mạo người của UBND quận nhằm thông báo công dân sai dữ liệu dân cư. Các đối tượng liên tục gọi điện, giả danh nhân viên, cán bộ làm việc tại UBND phường, quận, thông báo với nạn nhân rằng dữ liệu cá nhân bị sai, đề nghị ra UBND để chỉnh sửa; yêu cầu cung cấp thông tin CMND, thúc giục đi làm CCCD... Thủ đoạn của các đối tượng nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng để phục vụ vào mục đích xấu.

Cảnh báo chiêu trò nhờ người đóng giả nhân viên ngân hàng để lừa đảo

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng vừa cho biết, do cần tiền để trả nợ, một đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng nói dối nạn nhân rằng đang cần tiền đáo hạn để giảm lãi suất cho hợp đồng vay tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố, đồng thời hứa hẹn trong vòng 2 ngày sẽ giải ngân và trả lại tiền cho nạn nhân. Để tăng thêm lòng tin, đối tượng đã tạo bản hợp đồng cho vay hạn mức, giấy nợ kèm theo số điện thoại di động của đồng phạm, nói là nhân viên tín dụng ngân hàng, đề nghị nạn nhân gọi để kiểm tra khoản vay đáo hạn và thời hạn giải ngân.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo kích hoạt và tích hợp sổ đỏ vào ứng dụng VNeID

Lợi dụng việc chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID của người dân, các đối tượng lừa đảo đã liên tục gọi điện, sau đó gửi đường link qua các trang mạng xã hội yêu cầu người dân truy cập và cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật. Theo đó, Công an TP. Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả cuộc gọi điện, liên lạc qua các ứng dụng mạng xã hội yêu cầu, hướng dẫn kích hoạt VNeID đều là giả mạo với mục đích lừa đảo, lấy cắp thông tin cá nhân của người dân.

Nên sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có kiểm soát

Trước những hình thức lừa đảo tinh vi Bộ Thông tin & Truyền thông khuyến cáo, người dân nên sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có kiểm soát, vì an toàn của bản thân cũng như góp phần vào công tác bảo đảm an ninh trên không gian mạng. Do đó để phòng, tránh thiệt hại cho bản thân cũng như bài trừ các hành vi vi phạm pháp luật của các loại tội phạm, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân khi tham gia môi trường mạng cần lưu ý một số nội dung sau:

Chỉ kết nối, giao lưu với những người mình thực sự biết và tin tưởng. Cần hết sức cẩn thận khi chia sẻ những hoạt động đời tư, những thông tin cá nhân dễ bị lợi dụng vào hoạt động lừa đảo như: hình ảnh, sở thích, email, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng hoặc cơ quan, danh sách người thân... Tuyệt đối không cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng như: số điện thoại sử dụng Internet Banking, Mobile Banking, mã OTP… cho người khác. Không truy cập vào các đường link lạ, đường dẫn đến các trang mạng có nội dung không lành mạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo. Khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền phải xác minh rõ danh tính người nhận, không chuyển khi chưa trao đổi trực tiếp hoặc gặp mặt.

Tuyệt đối không tham gia các hình thức đánh bạc trên không gian mạng như cá cược bóng đá, lô đề, cá cược thông qua game online… Không quảng cáo, mua bán, sử dụng hàng giả, hàng nhái trên các sàn giao dịch điện tử.

Cần tiếp thu có chọn lọc những thông tin tiếp cận trên mạng xã hội. Chọn cho mình những trang mạng uy tín, chính thống hoặc các trang ngôn luận của Đảng, Nhà nước để đăng ký, theo dõi. Sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có ý thức; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác; đặc biệt là danh dự của bản thân trong mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi comment trên mạng xã hội. Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ các bài viết, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không tung tin giả, tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục…

Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ, like những bài viết có thông tin phản ánh sai tình hình thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam; phủ nhận truyền thống cách mạng, bản chất cách mạng cao đẹp của lực lượng vũ trang; bóp méo công tác phòng chống tham nhũng của Đảng… Các thông tin do các thế lực thù địch tạo dựng rất tinh vi, thật giả lẫn lộn, khó nhận diện, vì vậy người dùng khi tiếp xúc với những thông tin này phải trang bị cho mình bản lĩnh chính trị, kiến thức xã hội vững vàng để không bị lôi kéo, kích động. Mọi hành vi cổ xúy cho các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội không để nội dung quảng cáo bị gắn vào các trang có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang