Nhu cầu mới đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dịch COVID-19

author 06:58 28/12/2021

(VietQ.vn) - Dịch COVID-19 xuất hiện đã tạo ra nhiều thách thức cho các lĩnh vực đời sống, xã hội. Lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng không nằm ngoài xu thế này.

Theo thông tin từ Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ KH&CN), những phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho các hệ thống khoa học. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, lực lượng nghiên cứu hàn lâm vẫn đang dẫn đầu cuộc chiến chống COVID-19, tạo ra tri thức mới cần để hiểu về đại dịch và phát triển các chiến lược giảm thiểu hiệu quả. Điều này vượt ra ngoài phạm vi của nghiên cứu y học và sự phát triển của các chẩn đoán, liệu pháp và vắc xin mới, mà bao trùm tất cả các lĩnh vực nghiên cứu từ toán học đến khoa học xã hội và nhân văn.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần tiếp tục hỗ trợ nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo phát triển một thế hệ nhà nghiên cứu mới có kỹ năng liên ngành. Cuộc khủng hoảng đã nêu bật tầm quan trọng của khoa học chuyên sâu về dữ liệu, coi đây là công cụ quan trọng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu nghiên cứu cần được kết hợp với đầu tư dài hạn vào nguồn nhân lực, bao gồm cán bộ quản lý dữ liệu, kỹ sư phần mềm và phân tích dữ liệu.

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến các nhà nghiên cứu và phơi bày những điểm yếu hiện có trong cấu trúc nghiên cứu hàn lâm. Số người có bằng tiến sĩ ở các nước thuộc OECD đã tăng 25% trong thập kỷ qua mà không có sự gia tăng tương ứng về các chức danh học thuật khác.

Hệ thống siêu cạnh tranh hiện nay - tập trung vào các thước đo về hiệu suất cá nhân và đánh giá của các đồng nghiệp - có sự phân biệt đối xử với phụ nữ và một số nhóm xã hội, dẫn đến sự thiếu đa dạng trong lực lượng nghiên cứu. Các kết quả đầu ra quan trọng của khoa học như cơ sở dữ liệu hoặc phần mềm, báo cáo chính sách hoặc các hoạt động tham gia của người dân, vốn rất quan trọng để ứng phó với khủng hoảng, đều bị đánh giá thấp. Cần phải đưa ra khuyến khích và biện pháp mới để đánh giá và khen thưởng những đóng góp của cá nhân và tập thể cho khoa học.

Cần có những thay đổi mang tính hệ thống theo cách nghiên cứu hàn lâm phải được cơ cấu và hỗ trợ, nếu muốn thu hút và duy trì tính đa dạng của các tài năng cần để giải quyết các thách thức xã hội hiện tại và tương lai. Cần phải có những con đường sự nghiệp mới và hấp dẫn hơn, cung cấp khả năng bảo mật cao hơn và các lựa chọn thay thế để di chuyển trong và ngoài tổ chức nghiên cứu và các lĩnh vực nghiên cứu khác. Các quốc gia cần đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các tác nhân trong hệ sinh thái nghiên cứu để phát triển chiến lược kết nối lực lượng nghiên cứu, thực hiện chiến lược và biện pháp giám sát việc thực hiện.

Cấu trúc nghề nghiên cứu hàn lâm và quy trình phân bổ tài trợ nghiên cứu phần lớn phản ánh mức độ cạnh tranh dựa vào thành tích giữa các cá nhân, đã được chứng minh có hiệu quả thúc đẩy sự xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản theo thời gian. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc các cấu trúc và quy trình này ảnh hưởng đến tính chất không ổn định, hấp dẫn của nghề nghiên cứu, dẫn đến sự thiếu đa dạng trong lực lượng lao động khoa học.

Ảnh minh hoạ

Các nhà nghiên cứu và phát triển hy vọng khoa học không chỉ tạo ra các bài báo được trích dẫn nhiều mà còn nhanh chóng chuyển thành lợi ích xã hội và giải pháp cho các thách thức toàn cầu, như đại dịch COVID-19. Việc coi trọng sự xuất sắc của cá nhân trong ngành và kết quả đầu ra ngắn hạn không phù hợp với nhu cầu nghiên cứu liên ngành, tính mới và khả năng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, như nghiên cứu chuyên sâu về dữ liệu.

Đại dịch COVID-19 đang gây áp lực rất lớn lên các hệ thống khoa học công và lực lượng nghiên cứu trong hệ thống này, do nghiên cứu được huy động triển khai theo những phương thức mới trong nhiều lĩnh vực. Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang được khuyến khích nhanh chóng chuyển hướng nỗ lực để tập trung vào COVID-19. Họ bị áp lực lớn là phải công bố dữ liệu và kết quả một cách nhanh chóng nên đã rút ngắn hoặc phá vỡ các quy trình bình duyệt thông thường và làm nảy sinh những lo ngại vốn có từ trước về việc đảm bảo chất lượng và công nhận các kết quả nghiên cứu.

Đồng thời, các nhà khoa học đang được kêu gọi với tư cách là chuyên gia để tư vấn sức khỏe cộng đồng và các phản ứng chính sách khác với đại dịch và họ đang được yêu cầu truyền thông bằng chứng không đầy đủ và thay đổi theo cách để làm tăng lòng tin của công chúng. Đây là những hoạt động mà hầu hết nhà khoa học không được đào tạo để thực hiện và gần như không được công nhận trong các cấu trúc hàn lâm do chủ yếu tập trung vào thành tích khoa học và sự xuất sắc.

Ngay cả khi không có đại dịch COVID-19, nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, đã ở những vị trí bấp bênh và được tuyển dụng theo các hợp đồng ngắn hạn mà không có triển vọng rõ ràng về một vị trí làm việc lâu dài. Đặc biệt, đối với phụ nữ, môi trường siêu cạnh tranh và thiếu an toàn cản trở họ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng thêm cảm giác bất an. Mặc dù đại dịch đã làm tăng nguồn tài trợ trong một số lĩnh vực nghiên cứu, nhưng đang đe dọa tương lai của nhiều trường đại học phụ thuộc vào nguồn thu từ sinh viên nước ngoài.

Một số quốc gia hoặc tổ chức nghiên cứu đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng này, như kéo dài tài trợ cho tiến sỹ và hợp đồng nghiên cứu sau tiến sĩ, nhưng không phổ biến. Phần lớn các nhà nghiên cứu trẻ hiện vẫn hy vọng nắm bắt được cơ hội thậm chí là hạn chế của nghề nghiên cứu, nhưng thực tế là COVID-19 đã làm gián đoạn hoàn toàn khả năng di chuyển của các nhà nghiên cứu giữa các quốc gia.

Nhiều đổi mới công nghệ để ứng phó với COVID-19 đã được thúc đẩy bởi hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ví dụ như việc trí tuệ nhân tạo (AI) đang giữ nhiều vai trò trong việc ứng phó và phục hồi với đại dịch, là lĩnh vực bị chi phối bởi các công ty tư nhân, nơi thu hút nhiều sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) với các gói việc làm và triển vọng mà các viện hàn lâm không thể bắt kịp.

Đồng thời, nỗ lực phát triển, thử nghiệm các liệu pháp và vắc xin hiệu quả là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể nghiên cứu của khu vực công và tư. Những lợi ích tiềm năng của hợp tác liên ngành và trao đổi kỹ năng và tri ​​thức để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, được thể hiện rất rõ nét trước cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những rào cản lớn đối với những người bước vào con đường nghiên cứu hàn lâm và sau đó quyết định chuyển đổi từ các viện hàm lâm sang các lĩnh vực khác và ngược lại.

Các công cụ số và hạ tầng dữ liệu mở không chỉ cho phép nhiều nhà khoa học tiếp tục hoạt động hiệu quả bên ngoài môi trường phòng thí nghiệm hoặc thực địa trong thời gian phong tỏa, mà còn tăng tốc độ khám phá và phổ biến tri ​​thức dựa vào dữ liệu. Tuy nhiên, những yếu tố này đã cho thấy khoảng cách công nhệ số giữa các quốc gia, tổ chức nghiên cứu, các chuyên ngành và nhóm nghiên cứu và dẫn đến nhu cầu về các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu có kỹ năng công nhệ số cao hơn để thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về dữ liệu và hỗ trợ khoa học mở trong môi trường nghiên cứu hàn lâm.

Khi đại dịch tiến triển và các quốc gia chuyển từ ứng phó với sức khỏe cộng đồng sang giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội lớn, làm gia tăng nhu cầu không chỉ về hợp tác công-tư mà cả nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành để tạo ra kiến ​​thức tổng hợp cần để giải quyết những vấn đề này.

Nhiều quốc gia đang coi đại dịch COVID-19 là cơ hội để chuyển đổi sang xã hội bền vững và có khả năng phục hồi, quan tâm đến các quy trình đồng thiết kế, đồng sản xuất tạo thuận lợi qua quá trình chuyển đổi này. Trọng tâm được nhấn mạnh là làm việc nhóm, trong khi kỹ năng con người và sự tham gia của cộng đồng, không phải lúc nào cũng được đánh giá đầy đủ trong môi trường nghiên cứu hàn lâm. COVID-19 đã bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu của các hệ thống khoa học hiện nay, có ý nghĩa to lớn đối với lực lượng nghiên cứu trong tương lai.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang