Những biến động nhân sự cấp cao ở lĩnh vực ngân hàng

author 12:06 16/11/2012

(VietQ.vn) – Trong hai năm trở lại đây, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có nhiều biến động nhất từ những làn sóng sáp nhập, thâu tóm; đặc biệt là những thay đổi nhân sự cấp cao.

2012 là năm nhiều biến động về nhân sư cấp cao ngân hàng. Ảnh sưu tầm

Một trong những thay đổi nhân sự đình đám và đáng chú ý nhất phải kể đến gần đây là vụ thay tướng tại NHTM Sài Gòn Thương Tín Sacombank. Đầu tháng 11/2012, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Sacombank có đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT mới của Sacombank là ông Phạm Hữu Phú.

Một sự thay đổi nhân sự không thể không kể tới trên thị trường tín dụng Việt Nam năm qua là hiện tượng doanh nhân Lý Xuân Hải “ngã” khỏi ghế CEO ở ACB. Cú “ngã” này song hành với vụ bắt một trong những thành viên hội đồng sáng lập của ACB – bầu Kiên, đồng thời kéo theo màn từ nhiệm của một loạt các tướng lĩnh, banker kỳ cựu tại ACB và Eximbank.

Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên thành viên sáng lập của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt tạm giam, 3 thành viên Hội đồng quản trị ACB là các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, và Trịnh Kim Quang xin từ nhiệm. ACB cũng đã bổ nhiệm 3 thành viên mới với việc ông Trần Hùng Huy giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Đỗ Minh Toàn cũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc thay ông Lý Xuân Hải.

Liên quan đến thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Trong cuộc họp báo ngày 6/8/2012 của SHB, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB, thẳng thắn cho biết đây là việc sáp nhập Habubank vào SHB nên không bầu lại HĐQT. Hay nói cách khác, ngân hàng sau sáp nhập có HĐQT của SHB, nếu thành viên HĐQT Habubank muốn tham gia HĐQT ngân hàng mới thì ứng cử vào kỳ Đại hội cổ đông năm sau.

Chỉ duy nhất bà Bùi Thị Mai- nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Habubank, được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc SHB từ ngày 15/9/2012. Thời gian thử thách là 6 tháng, trong thời gian đó, bà Mai có trách nhiệm tham mưu, giúp việc và chịu sự phân công, điều hành của Tổng giám đốc SHB.

Tuy nhiên, chỉ một tháng rưỡi sau khi được bổ nhiệm, Hội đồng quản trị SHB đã miễn nhiệm chức danh phó tổng giám đốc đối với bà Mai và điều chuyển sang bộ phận thu hồi nợ.

Cũng trong những ngày đầu tháng 11 này, hai ngân hàng MHB và Kiên Long cũng công bố thay đổi nhân sự. Cụ thể, ngày 4/11 vừa qua, Ngân hàng Kiên Long đã chính thức công bố sự thay đổi lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng này. Theo đó ông Trương Hoàng Lương sẽ thôi giữ chức vụ tổng giám đốc và được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng. Trong khi đó, người được bổ nhiệm thay thế ông Lương là ông Phạm Khắc Khoan - phó tổng giám đốc. Ông Phạm Khắc Khoan giữ chức quyền tổng giám đốc từ ngày 4/11/2012.

Cách đây mấy hôm, ngân hàng MHB cũng bổ nhiệm Ông Nguyễn Ngọc Tâm – Giám đốc Ngân hàng MHB Chi nhánh Sài Gòn và bà Nguyễn Thiên Kim – Trưởng Ban Quản trị nhân sự, giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MHB, thời hạn giữ chức vụ là 5 năm. Theo thông tin công bố trên trang web ngân hàng này thì việc bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc mới sẽ giúp Ban điều hành Ngân hàng MHB có thêm nhân lực, trí lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, tiếp tục từng bước đưa Ngân hàng MHB trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam về tư vấn tài chính chu đáo và phục vụ khách hàng công bằng.

Ở những ngân hàng không có các thay đổi về cấu trúc chủ sở hữu hay sáp nhập, hợp nhất, trong 2 năm qua cũng đổi lãnh đạo. Điển hình và gây bất ngờ vẫn là vị trí CEO tại Techcombank khi người giữ ghế này từng có thâm niên gắn bó 15 năm và được ghi nhận là đã có những đóng góp lớn lao cho sự trưởng thành của ngân hàng này. Tiếp quản vị trí CEO của ông Nguyễn Đức Vinh tại Techcombank là một CEO ngoại quốc.

Trên đây chỉ là một số thay đổi nhân sự cấp cao của các ngân hàng trong thời gian gần đây, cũng như những thương vụ tiêu biểu. Tuy nhiên, có thể thấy, chưa bao giờ nhân sự cấp cao ngành ngân hàng lại biến động mạnh như thời gian qua. So sánh các hiện tượng "thay tướng" ngân hàng của Việt Nam với việc "thay tướng" của các ngân hàng quốc tế - những tổ chức đi đầu về thay CEO căn cứ trên kết quả hoạt động tồi tệ của 2 năm qua, thấy rằng ở Việt Nam dù việc "thay tướng" đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng lại có rất ít các vụ chia tay vì kết quả kinh doanh đáng buồn như ở thị trường quốc tế.

Đ.T (tổng hợp)
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang