Những bước phát triển mạnh mẽ của các xu hướng phát triển đô thị thông minh

author 06:22 02/12/2023

(VietQ.vn) - Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng về phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và hướng đến năm 2030, hơn 40 địa phương đã có IOC cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm trong việc xây dựng đô thị thông minh bền vững, đánh dấu một sự đổi mới lớn trong quy hoạch và phát triển của đất nước. Từ Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tháng 8/2018 đến Nghị quyết số 06-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị, Việt Nam đã tập trung triển khai đề án đô thị thông minh tại 48/63 tỉnh, thành phố, ghi nhận thành công lớn sau 5 năm triển khai.

Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. Với sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghiệp trong định hướng, quy hoạch và xây dựng Smart City. Các doanh nghiệp như Viettel, VNPT đã hợp tác với 45 tỉnh, xây dựng 36 IOC cấp tỉnh, và 45 IOC cấp huyện. Viettel đã khai trương IOC cho hơn 30 địa phương. FPT cũng đang nỗ lực tư vấn cho các thành phố đưa tính thông minh và hạt nhân AI vào trong quy hoạch, phát triển đô thị.

Các doanh nghiệp công nghệ khác đã và đang sáng tạo, đưa những giải pháp tiên tiến, hiệu quả nhất như AI, IoT, Bản đồ số 3D… giúp thông minh hóa công tác quản lý, điều hành các sở, ngành, các khu đô thị, các khu công nghiệp trên cả nước và hướng tới các bài toán quản trị, khai thác dữ liệu số. Theo đó, có 3 xu hướng nổi bật trong xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam đang được triển khai

Xu hướng 1: Hướng trọng tâm đến người dân và doanh nghiệp

Cùng với xu hướng chuyển đổi số, chính quyền đô thị từ trung ương đến địa phương đã xây dựng đề án thành phố thông minh, tập trung vào thông minh hóa quản lý, vận hành chính quyền đô thị, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số. Thông tin từ Giải thưởng và Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2023 cho thấy nhiều đô thị đã chuyển sang giai đoạn 2 - xây dựng thành phố thông minh, bền vững, tập trung vào người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là thành phần quan trọng tham gia vào hệ thống kết nối, đô thị thông minh của các thành phố.

Ví dụ điển hình là hệ thống giám sát môi trường của Tp. Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, cho phép người dân giám sát và báo cáo vấn đề môi trường. Ứng dụng Huế-S của tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân tham gia giám sát và phản ánh vấn đề, đạt tỷ lệ giải quyết nhanh chóng trên 95%. Tp. Hồ Chí Minh áp dụng hệ thống thu phí cảng biển thông minh, giúp quản lý phương tiện và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo ông Yudhistira Nugraha, Giám đốc Jakarta Smart City, Jakarta, Indonesia đã xây dựng hệ thống CRM (Citizen Relationship Management - quản trị quan hệ công dân) để tăng cường tư duy phục vụ, với 03 trụ cột: thành phố cảm biến, hiểu biết về thành phố, và thành phố hành động.

Xu hướng 2: Xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất – Bộ não của Đô thị thông minh

Để phát triển thành phố thông minh và bền vững, chính quyền đô thị đang hướng đến xây dựng và chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất. Điều này bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, kiến trúc dữ liệu hoàn chỉnh, danh mục và tiêu chuẩn kết nối được chuẩn hóa, cơ chế thu thập, khai thác dữ liệu minh bạch và hiệu quả.

Các trung tâm lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là những điển hình tiên tiến trong việc triển khai các mục tiêu này. Các thành phố đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất, tạo nền tảng cho việc tích hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này không chỉ giúp cải thiện quản lý đô thị mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ứng dụng và dịch vụ thông minh.

Xây dựng một hệ thống dữ liệu thống nhất giúp tối ưu hóa sử dụng thông tin, từ việc quản lý tài nguyên đến dự đoán nhu cầu cư dân và kế hoạch phát triển đô thị. Điều này không chỉ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho cư dân mà còn thúc đẩy sự hiệu quả trong quản lý đô thị.

Xu hướng 3: Phát triển các khu công nghiệp thông minh

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các ông lớn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao. Với cam kết mạnh mẽ về Net Zero năm 2050 và yêu cầu hội nhập, các địa phương và nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đang hướng đến phát triển khu công nghiệp thông minh.

Bình Dương, VSIP, và các công ty như Viettel, VNPT, FPT đang phát triển các giải pháp thông minh trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể, các khu công nghiệp mới không chỉ được xây dựng với hạ tầng vững chắc mà còn tích hợp công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thông minh có thể sử dụng các hệ thống tự động hóa, theo dõi và quản lý sản xuất từ xa, cũng như tận dụng các giải pháp IoT để cải thiện hiệu suất và tiết kiệm năng lượng. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy sự bền vững và hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số tỉnh thành phố, tiêu biểu là thành phố Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển đô thị thông minh. Dân số đông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời, và vấn đề liên quan đến dữ liệu số là những thách thức cần được vượt qua. Thách thức lớn nhất hiện nay là hành lang pháp lý chưa rõ ràng, yếu tố này cần được cải thiện để tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa công và tư.

Để giải quyết những thách thức đó, dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có cũng như đặc thù của từng đô thị tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có một lộ trình thông minh hóa và phát triển đô thị bền vững, có sức chống chịu cao, gắn việc quản lý, quản trị với việc xây dựng hạ tầng dữ liệu để kết nối liên thông và khai thác hiệu quả.  

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, phát triển đô thị thông minh là quá trình liên tục và lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và tiếp cận toàn diện. Việc coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số, và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu là những yếu tố thiết yếu sẽ giúp xây dựng thành công đô thị thông minh, đồng thời tạo ra giá trị kinh tế xã hội mới.

Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển đô thị thông minh mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước và đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong thế giới đô thị thông minh.

46 tiêu chuẩn TCVN phát triển đô thị thông minh

Theo Đề án 950 phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 ban hành năm 2018. Trong lĩnh vực xây dựng, sửa đổi Luật Xây dựng 2014, trong đó bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, quy định về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng đô thị thông minh; hoàn thiện xây dựng Danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khung tham chiếu ICT đô thị thông minh và chỉ số đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025. Điều này hỗ trợ địa phương triển khai dịch vụ đô thị thông minh, tăng cường chất lượng cuộc sống.

Lĩnh vực Khoa học công nghệ công bố 46 tiêu chuẩn TCVN phục vụ đô thị thông minh, trong khi lĩnh vực giao thông tiếp tục nghiên cứu công nghệ mới. Đồng thời, Đề án "Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia" đã được Thủ tướng phê duyệt, cung cấp cơ sở dữ liệu chất lượng cao...

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang