Dấu hiệu cảnh báo máy tính có thể đã bị tin tặc xâm nhập

(VietQ.vn) - Máy tính chạy chậm bất thường, webcam tự bật, email lạ xuất hiện... là những dấu hiệu không thể xem nhẹ. Đó có thể là cảnh báo cho thấy hệ thống đã bị tấn công, dù phần mềm diệt virus vẫn hoạt động bình thường.
Flamingo Ibiza Hải Tiến Resort: Nghỉ dưỡng biển bốn mùa, điểm đến 365 ngày rực rỡ
Cảnh báo: Xuất hiện cồn sát trùng giả
Đề xuất bỏ mức thu 5% lệ phí trước bạ xe máy tại các thành phố
Phần mềm bảo mật là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các mối đe dọa mạng, nhưng không có giải pháp nào tuyệt đối an toàn. Ngay cả khi đang sử dụng một bộ phần mềm có uy tín thiết bị vẫn có thể bị tin tặc xâm nhập mà người dùng không hay biết.
Khi một máy tính bị "hack", đó không chỉ là cách nói phóng đại. Tin tặc có thể chiếm quyền kiểm soát hệ thống theo nhiều cách: từ phần mềm gián điệp, mã độc tống tiền đến các công cụ điều khiển từ xa. Dưới đây là những dấu hiệu quan trọng cảnh báo máy tính có thể đã trở thành nạn nhân:
Cảnh báo liên tục từ phần mềm diệt virus
Nếu phần mềm bảo mật (dù là Windows Defender hay bên thứ ba) liên tục cảnh báo về virus hoặc phần mềm độc hại người dùng không nên vội yên tâm. Những cảnh báo lặp lại có thể cho thấy hệ thống vẫn đang bị xâm nhập.
Nhiều mã độc tinh vi có thể ẩn mình khiến phần mềm chỉ phát hiện phần nổi của "tảng băng chìm". Đáng lo hơn, nếu phần mềm diệt virus bất ngờ bị vô hiệu hóa mà người dùng không rõ lý do, rất có thể kẻ tấn công đã can thiệp để loại bỏ hàng phòng thủ cuối cùng.
Webcam bật sáng mà không sử dụng
Nếu đèn webcam bật lên dù không mở ứng dụng gọi video, hãy cảnh giác. Tin tặc có thể đã cài phần mềm theo dõi để âm thầm quan sát. Trên nhiều dòng máy, đèn webcam sáng là dấu hiệu duy nhất cho thấy camera đang hoạt động.
Nên kiểm tra trong phần cài đặt hệ điều hành để xem ứng dụng nào có quyền truy cập vào camera và micro. Nếu thấy phần mềm lạ, hãy tắt quyền ngay lập tức.

Ảnh minh họa.
Máy chạy chậm, quạt kêu lớn, pin hao nhanh
Máy tính khởi động chậm, nhanh hết pin, quạt hoạt động mạnh dù không chạy ứng dụng nặng là dấu hiệu hệ thống đang bị khai thác tài nguyên bất thường. Đây có thể là kết quả của phần mềm độc hại chạy ngầm như công cụ đào tiền ảo hoặc ghi lại thao tác bàn phím.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các cửa sổ lạ, quảng cáo dày đặc, hoặc việc máy tự khởi động lại không rõ lý do cũng là dấu hiệu cần lưu ý.
Hoạt động bất thường trên tài khoản cá nhân
Ngay cả khi máy tính không có dấu hiệu gì rõ ràng, tài khoản trực tuyến vẫn có thể đã bị xâm nhập. Những email lạ được gửi đi từ chính địa chỉ cá nhân, yêu cầu đặt lại mật khẩu bất ngờ, hoặc thông báo đăng nhập từ vị trí không xác định đều là dấu hiệu nguy hiểm.
Lý do có thể đến từ việc mật khẩu bị rò rỉ ở nơi khác. Nếu sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều dịch vụ, nguy cơ bị chiếm đoạt hàng loạt tài khoản là rất cao. Đó là lý do nên bật xác thực hai yếu tố (2FA) và thay đổi mật khẩu ngay khi nghi ngờ.
Dữ liệu Internet tăng đột biến
Nếu thường sử dụng kết nối di động hãy để ý đến dung lượng dữ liệu tiêu thụ. Sự tăng vọt bất thường có thể là dấu hiệu dữ liệu đang bị âm thầm truyền ra ngoài bởi phần mềm gián điệp.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, không phải cuộc tấn công nào cũng để lại dấu vết rõ ràng. Một số mã độc hoạt động rất âm thầm, không làm chậm hệ thống hay kích hoạt bất kỳ cảnh báo nào. Do đó, nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn, hãy tin vào trực giác.
Bắt đầu bằng cách quét hệ thống bằng phần mềm diệt virus đáng tin cậy. Nếu vẫn không yên tâm, hãy cân nhắc đưa máy về trạng thái gốc – tương tự như cài lại Windows. Dù mất công thiết lập lại nhưng sẽ đảm bảo hệ thống sạch sẽ và an toàn.
Bị tin tặc tấn công không còn là chuyện xa vời. Quan trọng nhất là bạn không được chủ quan trước các dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất. Phát hiện sớm – hành động kịp thời là cách tốt nhất để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân.
Thanh Hiền (t/h)