Những loại cốc dùng uống nước tiềm ẩn rủi ro, cách lựa chọn sản phẩm đúng tiêu chuẩn

author 19:50 05/10/2022

(VietQ.vn) - Cốc nhựa tái chế, cốc inox kém chất lượng, cốc giấy... là những loại cốc dùng để uống nước dù tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cũng giống như bát đũa, các loại cốc chén là vật dụng không thể thiếu trong gia đình. Nó vừa để trang trí, vừa để tiếp khách và quan trọng hơn là để uống nước.

Tuy nhiên trên thị trường hiện nay bày bán rất nhiều loại cốc với mẫu mã, chất liệu đa dạng. Việc lựa chọn loại cốc nào thực sự an toàn cũng là điều đáng lưu tâm. Bởi nếu lựa chọn sản phẩm cốc kém chất lượng, có thể xảy ra tình trạng hóa chất thôi nhiễm vào nước uống, sau đó trực tiếp gây hại cho sức khỏe.

Cốc màu sắc sặc sỡ

Chúng ta thường thích sử dụng các loại cốc có màu sắc bắt mắt, nhưng trên thực tế trong các loại chất liệu tạo màu này lại chứa nhiều hiểm họa tiềm tàng, đặc biệt chúng có chứa chất đánh bóng trên bề mặt họa tiết. Khi dùng các loại cốc này để uống nước hoặc uống các đồ uống có tính axit hoặc tính kiềm cao thì chì cũng như các nguyên tố kim loại nặng có trong các màu sắc này sẽ bị hòa tan, vì thế khi uống phải các loại nước có chứa chất hóa học này sẽ có hại cho sức khỏe.

Thông tin thêm về vấn đề này, theo các chuyên gia của Viện Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội, về nguyên tắc, không được sơn bất cứ thứ gì lên trên bát, đĩa, cốc hay đũa bởi các chất này có thể bị phai ra trong một điều kiện hay nhiệt độ nào đó. Chính vì vậy, những đồ dùng càng nhiều màu thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe càng cao, đặc biệt là những đồ trực tiếp dùng trong bữa ăn hàng ngày.

Bởi thực tế màu sắc được phủ trên sản phẩm hầu hết tạo nên từ những ion kim loại và chủ yếu là ion kim loại nặng. Khi chất này vào cơ thể sẽ có nguy cơ phá hủy cấu trúc protein, làm biến đổi gen và gây đột biến nhiễm sắc thể. Nếu tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến khả năng mắc các bệnh ung thư cho người sử dụng.

Cụ thể, đối với những hoa văn màu sắc được in trên bề mặt các loại cốc, đĩa, bát nhìn đẹp mắt nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chì, có thể gây độc cho người tiêu dùng. Đối với những loại bát đĩa gia công giá rẻ, sau thời gian ngắn sử dụng, loại men phủ trên bề mặt sẽ nhanh chóng bị bào mòn, bong tróc khiến phẩm màu trên hoa văn bên trong bị thôi ra. Khi đó, lượng chì thoát ra rất nhiều và ngấm hết vào thức ăn, nhất là khi đựng thức ăn còn nóng. Chì là kim loại nặng có khả năng tích tụ lâu dài trong cơ thể người và ít bị thải loại. Vì vậy, dù lượng chì nhiễm độc từ các sản phẩm như bát, đĩa, cốc, chén trong mỗi bữa ăn là rất nhỏ, tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài cũng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe con người như tổn thương thần kinh, biến chứng tim mạch và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

 Những loại cốc có màu sắc sặc sỡ tiềm ẩn chất liệu tạo màu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài. Ảnh minh họa

Cốc giấy dùng 1 lần

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Ấn Độ, Kharagpur cho biết, nhấm nháp đồ uống nóng từ những chiếc cốc giấy có thể dẫn đến việc nuốt phải chất gây ô nhiễm như các hạt nhựa nhỏ, ion có hại, kim loại nặng... làm tăng nguy cơ hình thành các khuyết tật sinh sản, ung thư, thậm chí rối loạn thần kinh. Để có được kết luận trên, các nhà khoa học đã thử nghiệm đổ nước siêu tinh khiết nóng vào cốc giấy 100ml. Sau 15 phút, họ thêm một loại thuốc đặc biệt để phát hiện và định lượng các hạt nhựa trong mẫu nước thu được. Các nhà khoa học đã phát hiện có khoảng 25.000 hạt nhựa nhỏ trong nước nóng. Trong đó bao gồm các kim loại nặng như chì, crom, cadmium và asen...

Ngoài ra, một số nhà sản xuất cốc giấy còn thêm số lượng lớn chất làm trắng huỳnh quang để làm cho cốc trông trắng hơn. Chính loại chất huỳnh quang này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây đột biến tế bào và là nhân tố tiềm ẩn gây ung thư.

Bên cạnh đó, cốc giấy không đạt chất lượng thường mềm, dễ bị biến dạng sau khi đổ nước vào. Một số loại cốc giấy có phần đáy dễ thấm nước, dễ bị bỏng tay khi đổ nước nóng vào cốc. Đặc biệt, có những cốc giấy mà khi chạm tay vào mặt trong cốc, chúng ta dễ dàng cảm nhận chất bột bám trong đó, có lúc chất bột màu trắng này còn dính lên đầu ngón tay, đây chính là những chiếc cốc giấy có chất lượng thấp điển hình, không nên sử dụng.

Cốc làm bằng nhựa tái chế

Không phải tất cả các loại chai nhựa và cốc nhựa đều có thể dùng để đựng nước nóng. Một số chất nhựa rất không ổn định ở nhiệt độ cao và có thể giải phóng chất có hại cho cơ thể, chẳng hạn như bisphenol A (BPA) và axit phthalic, do đó sử dụng cốc nhựa uống nước nóng không tốt cho sức khỏe.

Cốc bằng inox kém chất lượng

Cốc làm bằng inox có thể đắt hơn so với cốc gốm sứ. Tuy nhiên nếu dùng loại cốc này đựng đồ uống có tính axit, cà phê, đồ uống có ga... có thể kết tủa kim loại nặng trong cốc, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Do đó, khi làm sạch cốc inox, đừng sử dụng các hoá chất tẩy rửa mạnh. Những chất này cũng dễ bị phản ứng hóa học với thép không gỉ.

Những loại cốc an toàn cho sức khỏe

Cốc thủy tinh và cốc sứ tráng men không màu là 2 loại cốc an toàn nhất để sử dụng. Cốc thủy tinh không chứa hóa chất hữu cơ trong quá trình nung. Hơn nữa, bề mặt kính nhẵn bóng, dễ lau chùi. Vi khuẩn và chất bẩn không dễ dàng sinh ra trên thành cốc nên uống bằng cốc thủy tinh là tốt nhất và an toàn nhất cho sức khỏe. Còn cốc sứ tráng men không màu vừa an toàn về chất liệu, vừa chịu được nhiệt độ cao mà còn có tác dụng cách nhiệt tương đối tốt, dùng để uống nước nóng hay uống trà đều là lựa chọn tốt.

Cốc giấy dùng 1 lần như thế nào là an toàn, có cần hợp quy không, hợp quy theo quy chuẩn nào?

Theo QCVN 12-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao bì và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, các sản phẩm tiếp xúc thực phẩm làm từ PE (Polyetylen) phải được hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường. Do vậy, cốc giấy 1 lần phải được hợp quy để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

QCVN 12-1:2011/BYT quy định yêu cầu kỹ thuật và quản lý vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Cụ thể, cốc dùng 1 lần phải đạt yêu cầu chỉ tiêu hàm lượng chì không vượt quá 100 µg/g; cadmi không vượt quá 100 µg/g; cặn khô không vượt quá 30 µg/ml.

Ngoài ra, sản phẩm cốc giấy nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp quy định tại Quy chuẩn này.

Các chuyên gia chia sẻ, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường sống cho thế hệ sau, tránh nguy cơ cạn kiệt tài nguyên là hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa hoặc giấy. Khi lựa chọn sử dụng cốc giấy, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thông tin đầy đủ và đặc biệt là đã công bố hợp quy theo Quy chuẩn QCVN 12-1: 2011/BYT.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang