Những lợi thế giúp cá tra Việt Nam được xuất khẩu đến gần 140 quốc gia trên thế giới
Thu hồi sản phẩm kẹo và đồ ăn vặt của Công ty Palmer Candy do nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella
Bổ sung thêm quy định chi tiết về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng
Cục An toàn thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 85 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu tính đến ngày 15/7/2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê từ số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), trung bình mỗi tháng xuất khẩu cá tra mang về hơn 150 triệu USD, chiếm 20-22% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và chỉ đứng sau mặt hàng tôm do đây là sản phẩm có giá thành cao hơn. Cũng theo VASEP, các thị trường lớn nhất tiêu thụ cá tra Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Mỹ, EU và các quốc gia thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các loại cá thịt trắng khác.
Trong đó, cá tuyết (cod) được coi là "vua" của các loại cá, cá tuyết có giá trị thương hiệu cao, chất lượng thịt tốt, giá trị dinh dưỡng dồi dào, giàu protein, vitamin và khoáng chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao, do đó đây là loài có vị trí cao cấp trong ẩm thực nhiều quốc gia. Tuy nhiên, giá thành cao do mùa vụ và nguồn cung hạn chế là những rào cản lớn.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nửa đầu năm nay, nhập khẩu cá tuyết đông lạnh mã HS 030363 của Trung Quốc từ thế giới đạt gần 296 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2022 ghi nhận là năm quốc gia này nhập khẩu nhiều nhất cá đông lạnh, với hơn 732 triệu USD, tăng 49% so với năm 2021.
Được ưa thích thứ 2 tại Trung Quốc sau cá minh thái, nhưng tại Mỹ, cá tuyết cod là loài cá thịt trắng được tiêu thụ nhiều nhất, đặc biệt là phile cá tuyết đông lạnh mã HS 030471. Năm 2023, nhập khẩu sản phẩm này vào Mỹ đạt 475 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ, chiếm 27% trong tổng cá thịt trắng Mỹ nhập khẩu từ thế giới. Trước đó, năm 2022, quốc gia này tiêu thụ gần 610 triệu USD phile cá tuyết, tăng 47% so với năm 2021, và là năm nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm này tính đến nay.
Cá minh thái (Hake) là một lựa chọn thay thế tốt cho cá tuyết với vị ngọt, ít béo và giá cả phải chăng và ổn định hơn so với các loài cá khác. Tuy nhiên, cá minh thái ít đa dạng về sản phẩm và thường được sử dụng để chế biến các sản phẩm cơ bản như cá viên, cá fillet. Theo ITC, nửa đầu năm nay, nhập khẩu cá minh thái Alaska đông lạnh mã HS 030367 của Trung Quốc đạt hơn 353 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến nay, năm 2019 ghi nhận là năm Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm này, với gần 941 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ.
Cá rô phi cũng giàu protein và các axit amin thiết yếu, giá thành của cá rô phi thường khá cạnh tranh trên thị trường. Cá rô phi, đặc biệt là sản phẩm phile cá rô phi đông lạnh, là sản phẩm được ưa thích tại Mỹ, chỉ sau phile cá tuyết cod. Theo ITC, năm 2023, Mỹ nhập khẩu 372 triệu USD sản phẩm này, giảm 28% so với năm 2022. Cá basa có nhiều điểm tương đồng với cá tra, nhưng cá basa thường có kích thước lớn hơn và thịt dày hơn. Tuy nhiên, chất lượng thịt của cá basa không đồng đều và thương hiệu chưa được xây dựng mạnh như cá tra.
Ảnh minh họa
Lợi thế giúp của cá tra Việt Nam cạnh tranh tại nhiều thị trường trên thế giới
Là một trong những loại cá nuôi trồng lớn nhất thế giới, cá tra Việt Nam có những lợi thế riêng biệt, chuyên gia tại VASEP nhận định. Cụ thể, cá tra Việt Nam thường có giá thành thấp hơn so với các loại cá thịt trắng khác, giúp thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Là một trong những nước sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, Việt Nam đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường. Đặc biệt, cá tra Việt Nam được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng; Vị trí địa lý thuận lợi: Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, giúp giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng.
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cá tra còn chưa đồng đều, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, thức ăn, môi trường nuôi trồng; Phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, các quy định kỹ thuật,..; Các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, gian lận thương mại có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế; Việc các thị trường thay đổi chính sách trong khi chi phí sản xuất cá tra ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng, cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất cá da trơn khác như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Các nước này đều có lợi thế về nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất, tạo ra áp lực không nhỏ lên ngành cá tra Việt Nam.
Theo ITC, Việt Nam là nguồn cung thứ 2 trong cuộc đua xuất khẩu cá thịt trắng sang Trung Quốc, chỉ sau Nga. Nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu gần 80 nghìn tấn cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) từ Việt Nam, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ đạt 45 nghìn tấn, tăng 57%; Na Uy đạt 19 nghìn tấn, tăng 28%; từ Greenland đạt gần 5 nghìn tấn, tăng 188%; từ Hà Lan đạt hơn 5 triệu USD, tăng 179%; từ Hàn Quốc đạt hơn 2 triệu USD, tăng 237%,...
Cũng theo ITC, Việt Nam đồng thời là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ 2 cho Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. 5 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu hơn 45 nghìn tấn cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) từ Việt Nam, tăng 37%, chiếm 30% tỷ trọng trong tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ từ thế giới.
Mỗi loại cá đều có những ưu và nhược điểm riêng. Cá tra Việt Nam có lợi thế về giá thành và sản lượng, nhưng cần phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh hiệu quả hơn. "Để vượt qua các đối thủ cạnh tranh, cá tra Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng thương hiệu: Tạo dựng hình ảnh tích cực cho cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế; Đa dạng hóa thị trường: Tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường cao cấp; Phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng: Chế biến cá tra thành các sản phẩm có giá trị cao hơn; Đầu tư vào công nghệ: Áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và bảo quản cá tra; Phát triển bền vững: Tập trung vào phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi cho người lao động." theo VASEP.
Cá tra Việt Nam có tiềm năng lớn để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để thành công, ngành cá tra cần chủ động “lấn sâu” thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường.
Khánh Mai (t/h)