Bổ sung thêm quy định chi tiết về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng
Cục An toàn thông tin khuyến cáo cảnh giác với chiêu lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng
Bác sĩ cảnh báo những loại thức ăn, nước uống ảnh hưởng không tốt đến não bộ
Cảnh giác chiêu thức lừa đảo đặt vé máy bay, thuê khách sạn, homestay, ký túc xá chiếm đoạt tiền
Cụ thể, báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày cho thấy, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được chỉnh lý gồm 9 chương, 61 điều, giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng; quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh bảo đảm bao quát, tương thích với các nội dung của dự thảo Luật; rà soát nội dung dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành; đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh các nội dung liên quan tại dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh với các nội dung quy định của dự thảo Luật.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng thông qua các nội dung quy định về chính sách của Nhà nước (Điều 4); quy định trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 8) và quy định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp (Điều 56), cũng như đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các điều luật cụ thể có liên quan tại dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến đời sống kinh tế xã hội, tác động đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ để khắc phục được những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời phải quán triệt nghiêm túc, luật hoá các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp cho thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc bất cập trong công tác này: Ý thức phòng cháy, chữa cháy chưa cao; xử lý chưa nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh; các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoặc nếu có thì không sử dụng được…
Nhấn mạnh những vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là yêu cầu quan trọng. Đây cũng là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn và có nhiều ý kiến trong thời gian qua. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật; nhất là quy định về đặc thù khác với các luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nêu rõ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều chung cư cao tầng thường xảy ra cháy nổ nhưng bất cập nhưng là không có thang cao để chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội lo ngại, "khi phê duyệt bao nhiêu tầng phải đảm bảo có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng, chứ thang chữa cháy 15 tầng mà đầu tư lên 20-25 tầng thì không có cách nào chữa cháy".
Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với việc tách nội dung về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở và với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật. “Thực tế, những vụ cháy vừa qua đối với loại hình này đã để lại rất nhiều kinh nghiệm, bài học đắt giá. Do đó, cần đúc kết để đưa vào luật nhằm hạn chế tối đa hậu quả cháy khi xảy ra” - Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Cũng quan tâm tới phòng cháy, chữa cháy với chung cư cao tầng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, với chung cư mới phải có yêu cầu khác về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời đề nghị cần bổ sung thêm một điều quy định về vấn đề này để phòng ngừa sự cố xảy ra. “Kinh nghiệm quốc tế ở nhà trên tầng 20 thì có một tầng kỹ thuật không có người ở để khi có sự cố thì hộ dân ở phía trên xuống đó để thang có thể với lên. Tôi nghĩ cần có quy định thế để phòng ngừa, trong trường hợp có sự cố xảy ra. Còn khi sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục”, ông nói.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu ý kiến các đại biểu Quốc hội để tiếp thu đầy đủ, giải trình thuyết phục với tinh thần không bỏ sót bất cứ ý kiến nào. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự luật để bao quát đầy đủ, tương thích và thống nhất với các nội dung được điều chỉnh trong các dự thảo luật khác…
Về phòng cháy chữa cháy với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, ngoài những nội dung đã quy định tại dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để luật đi vào cuộc sống và phù hợp thực tiễn. Đồng thời nghiên cứu xem có cần thiết quy định một khoản về phòng cháy, chữa cháy với chung cư cao tầng.
Khánh Mai (t/h)