Những lưu ý về quy định cấp chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang Ấn Độ
Chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng BIS của Ấn Độ - Những lưu ý với doanh nghiệp Việt Nam
Hợp tác Việt Nam và bang Andhra Pradesh, Ấn Độ: Những cơ hội mới
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Cơ quan tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến "Quy định của Ấn Độ về cấp giấy chứng nhận chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm" vào ngày 24/05/2023. Sự kiện thu hút sự tham gia của 30 doanh nghiệp, thương nhân cả Ấn Độ và Việt Nam.
Tại hội thảo, Tiến sỹ Amit Sharma - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cơ quan tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm Ấn Độ đã có những trao đổi quan trọng về luật và hướng dẫn về vệ sinh an toàn tại Ấn Độ; Luật Đóng gói và ghi nhãn năm 2011.
Luật Tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm 2006 (FSS) của Ấn Độ có phạm vi bao gồm toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng thực phẩm, từ sản xuất, gia công, phân phối đến bán lẻ. Quy định áp dụng cho mọi loại thực phẩm, bao gồm thực phẩm chính, chưa qua xử lý, đã qua xử lý và một phần đã qua xử lý. Luật cũng đề cập đến thực phẩm kỹ thuật di truyền và thực phẩm hữu cơ, đồng thời kiểm soát chất liệu và nước sử dụng trong thực phẩm, bao gồm nước uống đóng chai và các sản phẩm tương tự.
Vai trò của FSSAI là xây dựng các quy định và thực hiện giám sát hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối, bán hàng và nhập khẩu thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn. FSSAI cũng thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu và quy trình phân tích rủi ro. Các tiêu chuẩn cho phụ gia thực phẩm, hóa chất gây ô nhiễm, chất gây ô nhiễm vi sinh, chiếu xạ thực phẩm và các yêu cầu về ghi nhãn cũng được quy định.
Theo quy định, các doanh nghiệp và cá nhân chỉ được kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm khi có giấy phép hoặc đăng ký. Việc vi phạm quy định này có thể dẫn đến án phạt 6 tháng tù và mức phạt 500.000 Rupi (tương đương khoảng 150 triệu VNĐ). Trách nhiệm về an toàn thực phẩm được chia sẻ giữa chính phủ trung ương và các bang. Các doanh nghiệp sẽ xin giấy phép hoặc đăng ký tại cấp bang hoặc cấp trung ương, tùy thuộc vào tính chất và quy mô hoạt động kinh doanh.
Một điểm đáng chú ý trong quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của Ấn Độ là việc xây dựng Hệ thống kiểm tra rủi ro (Risk Based Inspection System - RBIS). Hệ thống này xác định các loại thực phẩm có mức rủi ro cao như sữa, thịt, cá,... và yêu cầu phải trải qua giai đoạn kiểm nghiệm, kiểm tra trước khi được cấp phép.
Cơ quan chức năng đã phát triển hệ thống tần suất kiểm tra để ưu tiên các doanh nghiệp thực phẩm dựa trên rủi ro liên quan và tự động phân bổ nhiệm vụ kiểm tra cho các cán bộ thực thi. Việc kiểm tra được thực hiện thông qua ứng dụng trực tuyến mang tên FoSCoRIS.
Ngoài ra, các quy định về ghi nhãn sản phẩm thực phẩm cũng được quy định cụ thể trong Luật Đóng gói và ghi nhãn sửa đổi năm 2011 của Cục Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm. Nhãn sản phẩm phải bao gồm thông tin như tên sản phẩm, danh sách thành phần, thông tin dinh dưỡng, kí hiệu thực phẩm chay hay không chay, phụ gia thực phẩm và màu, hương liệu được công bố cụ thể, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, hàm lượng tịnh và trọng lượng ráo nước, số lô, mã số,nhận dạng lô, ngày sản xuất, đóng gói, hạn sử dụng tốt nhất, nước xuất xứ của thực phẩm nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng.
Mục 25 của Đạo luật FSS, 2006 quy định về các sản phẩm nhập khẩu. Theo đó, không được nhập khẩu vào Ấn Độ bất kỳ thực phẩm nào không an toàn, ghi nhãn sai hoặc không đạt tiêu chuẩn, hoặc chứa chất lạ. Các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu phải có giấy phép theo các đạo luật, quy tắc hoặc quy định. Các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu cũng không được vi phạm bất kỳ quy định nào khác trong Đạo luật này hoặc các quy tắc và quy định ban hành dựa trên Đạo luật này.
Buổi hội thảo trực tuyến đã giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hiểu rõ hơn về quy định của Ấn Độ về cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp cũng cho thấy sự quan tâm và nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm.
Ông Bùi Trung Thướng- Tham tán Thương mại tại Ấn Độ khuyến nghị: doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm sang thị trường Ấn Độ cần nghiên cứu kỹ thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn được quy định bởi Cục tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm và phải có mã số chứng nhận FSSAI của nhà nhập khẩu thì hàng hóa mới được nhập khẩu vào Ấn Độ, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn của việc ghi nhãn thực phẩm như sản phẩm chay, mặn, sản phẩm Halal...
Bùi Trung Thướng - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ