Xuất khẩu sang Tây Ban Nha nhiều tiềm năng, triền vọng phát triển

author 14:26 09/08/2023

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao gồm: Gạo (217,1%), sản phẩm từ cao su (54,6%), hàng du lịch (75,4%), hàng dệt may (39,2%), giày dép các loại (47,6%), phương tiện vận tải-phụ tùng (21,8%), và đồ chơi-dụng cụ thể thao-bộ phận (145,9%).

Triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu

Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau các đối tác vốn được xem là chiến lược của bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, xếp trên tất cả các nước ASEAN khác. Đại diện Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tây Ban Nha có nền tảng tốt đẹp và nhiều triển vọng phát triển rực rỡ hơn nữa trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại nhờ vào nền kinh tế phát triển ổn định, năng động ở mỗi nước cũng như vị trí và vai trò của hai nước trong khu vực.

Cụ thể, trong 8 năm qua, thương mại song phương Việt Nam-Tây Ban Nha duy trì đà tăng trưởng tốt và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ 8/2020 đã tạo xung lực mới, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai bên khi, gần như 100% dòng thuế xuất nhập khẩu về 0% theo lộ trình từ 7-10 năm. Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt xấp xỉ 1,95 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,63 tỷ USD (tăng 2,3%), nhập khẩu đạt 0,32 tỷ USD (tăng 14,2%). Việt Nam duy trì con số xuất siêu ở mức cao là 1,31 tỷ USD.

Ảnh minh họa

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Mặc dù duy trì được mức xuất siêu cao, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng nhận định, những tháng đầu năm nay xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha đã và đang gặp nhiều khó khăn hơn thời gian trước. Nguyên nhân chủ yếu do những khó khăn nội tại của thị trường và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều chủng loại hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước châu Mỹ La tinh, nhất là đối với hàng thủy sản, rau quả, càphê, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ. Báo cáo của Thương vụ cũng chỉ rõ, thực tế những năm qua cho thấy kim ngạch xuất khẩu thông thường sẽ tăng tốc vào nửa cuối của năm từ tháng 6, tháng 7 trở đi nên còn cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát triển sang thị trường này. 

Mặc dù có nhiều cơ hội, song để ngày càng gia tăng thị phần hàng Việt tại đây, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến nghị đối với bộ, ngành cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành để xúc tiến hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư, trong đó có việc kết hợp lồng ghép với tổ chức tọa đàm doanh nghiệp hai nước. Bởi từ ngày 1/7, Tây Ban Nha đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu (EC).

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, cần tăng cường phối hợp với Thương vụ trong công tác xác minh đối tác sở tại (về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, cơ sở vật chất, yêu cầu sản phẩm, chất lượng, thị trường tiêu thụ-kênh phân phối và uy tín) trước khi đi đến đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương để trách tình trạng bị “lừa đảo, chiếm đoạt hàng hóa, chiếm dụng vốn, chậm trễ, không thanh toán tiền hàng…"

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang