Những sai lầm thường gặp khi cho trẻ uống thuốc gây biến chứng nguy hiểm

author 05:52 23/11/2022

(VietQ.vn) - Hiện nay có rất nhiều bố mẹ gặp sai lầm khi cho trẻ uống thuốc dẫn tới những tác hại không mong muốn cho sức khỏe.

Trẻ nhỏ chưa ý thức được bệnh và việc điều trị nên đa số không hợp tác khi uống thuốc. Trước những khó khăn này, cha mẹ thường dùng mẹo để dỗ con uống thuốc đúng chỉ định từ bác sĩ. Tuy nhiên, một số mẹo của người lớn đôi khi gây ra các sai lầm không mong muốn.

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, cấu tạo cơ thể và hệ thống trao đổi chất của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện. Việc bổ sung thuốc không đúng cách hoặc sai lệch tỷ lệ thuốc có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. 

Trộn thuốc

Mỗi loại thuốc chứa các hoạt chất khác nhau, công dụng điều trị các triệu chứng cũng khác nhau. Việc trộn các loại thuốc lại với nhau nếu không phù hợp có thể gây ra ngộ độc thuốc hoặc các biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định trộn bất cứ loại thuốc nào cho trẻ uống.

Ngừng kháng sinh khi con hết triệu chứng

Cha mẹ có xu hướng ngừng cho trẻ uống kháng sinh khi thấy tình trạng bệnh tốt hơn. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, lỗi dùng thuốc này khá phổ biến, lỗi này tạo điều kiện cho vi khuẩn tồn tại trở nên kháng thuốc. Nếu bệnh quay trở lại, con sẽ phải bắt đầu lại với một đợt điều trị đầy đủ bằng một loại kháng sinh khác có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.

Nhiều sai lầm khi cho trẻ uống thuốc cần tránh. Ảnh minh họa

Tự ước chừng lượng thuốc

Bác sĩ thường hỏi cân nặng và thể trạng của trẻ để chỉ định lượng thuốc cần dùng mỗi lần. Uống thuốc đúng liều an toàn và hiệu quả trong việc giảm triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, một số phụ huynh hay ước chừng lượng thuốc theo quán tính. Hành động này không được khuyến khích vì những sai sót về lượng thuốc có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên sử dụng dụng cụ đong đi kèm với thuốc để hiệu quả điều trị cao.

Bỏ qua bổ sung vi chất

Khi trẻ ốm, phụ huynh thường tập trung cho con uống thuốc điều trị triệu chứng mà bỏ qua việc bổ sung các vitamin và các chất bổ sung trước đó. Tuy nhiên, tự ý dừng bổ sung vitamin có thể khiến tình trạng thiếu vi chất của trẻ xấu đi. Phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ về khả năng tương tác giữa thuốc và các vi chất để có quyết định phù hợp nhất.

Dùng chung đơn thuốc

Một số phụ huynh mắc phải sai lầm khi dùng một đơn thuốc cho nhiều trẻ, vì các con có triệu chứng bệnh giống nhau. Việc tự chẩn đoán, chẩn đoán sai dẫn đến dùng thuốc không đúng chỉ định có thể khiến bé bệnh nặng hơn. Người lớn khi cho trẻ dùng kháng sinh không theo chỉ định làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

Liều lượng cơ bản dựa trên cân nặng chứ không phải độ tuổi

Liều lượng thuốc phụ thuộc vào cân nặng của trẻ chứ không đo lường trên độ tuổi. Một số trẻ dù 4 tuổi nhưng cân nặng nhẹ, chỉ ở mức 3 tuổi. Nếu dùng không đúng liều lượng trẻ có nguy cơ ngộ độc thuốc cao.

Hầu hết các trẻ mắc bệnh đều được theo dõi và điều trị tại nhà bằng các loại thuốc uống theo toa của bác sĩ. Chính vì lẽ đó, việc cho trẻ uống thuốc đúng cách là điều quan trọng.

Những lưu ý khi cho trẻ uống thuốc

Không bóp mũi trẻ, đè đổ thuốc. Giải thích và dỗ dành trẻ nếu trẻ khóc hoặc không chịu uống thuốc. Không cho trẻ uống thuốc khi trẻ đang khóc, cười hay đang co giật. Không pha thuốc vào sữa, nước ép trái cây hoặc thức ăn của trẻ. Không nên cho trẻ uống thuốc lúc bụng đói, nhất là các thuốc giảm đau, kháng viêm như: aspirine, corticoide… để phòng ngừa chứng viêm loét dạ dày.

Cho trẻ uống thuốc cần tránh một số điều

Đối với trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi: Cần chọn dạng thuốc lỏng như: sirô, hỗn dịch, nhũ dịch (hỗn dịch, nhũ dịch là dạng thuốc lỏng có phần trắng đục như sữa, trước khi uống phải lắc kỹ chai để thuốc trộn đều) hoặc thuốc giọt hòa vào nước để uống. Đây là các thuốc đã được bào chế thơm, ngọt nên trẻ thích uống. Cũng có thể chọn những loại thuốc có dạng thuốc bột, thuốc cốm đựng trong gói, khi uống sẽ hòa với nước thành dạng lỏng có mùi thơm, vị ngọt, dễ uống đối với trẻ.

Đối với những trẻ lớn, thường từ 5 tuổi trở lên, có thể nuốt được viên thuốc: ta có thể cho trẻ uống thuốc dạng viên nén hoặc thuốc hình bao con nhộng. Không nên nghiền nhỏ viên thuốc cho trẻ uống vì có một số loại thuốc chứa dược chất rất đắng, sẽ làm cho trẻ sợ hãi. Điều cần lưu ý nữa là không nên hù dọa, tạo không khí căng thẳng mà cần mềm mỏng, kiên trì thuyết phục khi cho trẻ uống thuốc.

Không pha thuốc vào bất cứ loại nước nào hoặc thức ăn của trẻ

Chỉ nên pha thuốc với nước đun sôi để nguội để đảm bảo dược tính của thuốc và duy trì hiệu quả điều trị. Thành phần và hiệu quả tác dụng của thuốc sẽ bị thay đổi nếu pha thuốc vào những loại dịch uống hoặc thức ăn sau đây:

Pha thuốc vào bình sữa cho trẻ bú: Sữa công thức (sữa bò) chứa nhiều kali và sắt. Những chất này khi gặp một số thuốc sẽ phản ứng, tạo ra một số tạp chất ổn định hoặc khó tan, gây cản trở cho sự hấp thụ thuốc của lòng ruột và dạ dày. Thậm chí, có những loại thuốc còn bị những chất này phá hủy. Ngoài ra, canxi có trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh, do đó không nên dùng sữa để uống thuốc.

Pha thuốc vào nước ép trái cây: Trong nước trái cây, nhất là nước cam, chanh có thành phần acid tương đối nhiều. Khi dùng nước trái cây để uống thuốc có thể làm xảy ra một số phản ứng hóa học dẫn đến thay đổi tính chất của thuốc. Nếu pha với nước nho ép có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh. Lý do nước nho ép có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.

Pha thuốc vào thức ăn hoặc thức uống của trẻ: Mùi vị thơm ngon của thức ăn, thức uống sẽ hòa lẫn với mùi vị lạ của thuốc. Trẻ kén ăn hoặc nhạy cảm mùi vị sẽ phản ứng, từ chối thức ăn, thức uống đã được pha thuốc, dù đó là những thứ mà trước đây trẻ ưa thích. Đối với trẻ lớn hơn, trộn thuốc như thế trẻ sẽ cho là mình bị đánh lừa và mất lòng tin ở cha mẹ. Chỉ nên cho trẻ uống thuốc với đun sôi để nguội

Chuẩn bị các thuốc cần thiết và an toàn cho trẻ

Nên có thuốc giảm đau, hạ nhiệt paracetamol (không được dùng aspirin) để hạ sốt cho trẻ; thuốc kháng histamin ở dạng sirô (phénergan, théralène) để trị ho, nôn ói và dị ứng; gói oresol để bù nước và chất điện giải khi trẻ bị tiêu chảy.

Nên có dung dịch nhỏ mũi NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) để nhỏ mũi khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi; dung dịch sát khuẩn như povidine để sát trùng các vết thương nhỏ ngoài da. Các thuốc thông thường này có thể hỏi dược sĩ tại nhà thuốc hoặc đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng cho trẻ.

Tất cả các loại thuốc điều trị tại nhà, tuyệt đối phải để xa tầm tay của trẻ. Điều quan trọng cha mẹ cần ghi nhớ: nếu dùng các thuốc thông thường để trị các rối loạn nhẹ ở trẻ sau 3 ngày không thấy đỡ phải đưa trẻ đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang