Những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm

author 06:37 01/10/2021

(VietQ.vn) - Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu.

Theo thông tin công bố mới đây từ Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, với mức tăng trưởng 9 tháng 1,42% thì khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là khó khả thi.

Dựa vào tăng trưởng 9 tháng của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%. Để đạt được mức trên, tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 5,3%. Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3%. Để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, với kịch bản 1 thì mức tăng trưởng quý IV đạt 5,3%, mức này cao hơn quý I với 4,48% nhưng thấp mức 6,61% của quý II nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2.

Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, GDP 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng dương, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rất nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đây là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng quý IV và cả năm 2021.

Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Mức tăng trưởng này được WB kỳ vọng trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ; trong đó, cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ.

Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại. WB cũng quan tâm đến việc sau gói hỗ trợ đảm bảo xã hội đợt hai, Chính phủ đang sẵn sàng triển khai một gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp.

Với việc thay đổi chiến lược chống dịch từ “không có Covid-19” sang "thích ứng an toàn", linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Chính phủ, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ liên tiếp gặp gỡ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp thông qua các hội nghị trực tuyến cho thấy quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch thành công, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn khẳng định đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần “3 không, 5 thật”. Đó là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương cùng bàn, cùng chia sẻ, cùng tìm phương pháp tháo gỡ với doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng cấp thiết để thúc đẩy tổng cầu cho nền kinh tế quý cuối năm đó là giải ngân gần 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được. Với nhiệm vụ nặng nề của quý cuối cùng của năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, huy động trí tuệ tập thể và lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định đưa đất nước phát triển.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang