Những 'trái ngọt' sau 4 năm triển khai Nghị quyết 19

author 17:02 29/12/2017

(VietQ.vn) - Qua bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

3 bộ chỉ số tăng “vượt bậc”

Theo nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua bốn năm triển khai Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong đó, ba bộ chỉ số đặt mục tiêu (chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số môi trường kinh doanh, chỉ số về đổi mới sáng tạo) đều tăng điểm và tăng hạng.

Cụ thể, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Kết quả này đạt được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc (với 32/114 chỉ số thành phần vừa tăng điểm và tăng bậc, 24/114 chỉ số thành phần tăng hạng nhưng điểm số không đổi hoặc tăng điểm nhưng thứ hạng không đổi). Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (như thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường) đã có sự cải thiện.

Việt Nam vươn lên vị trí 47/127 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo, vượt 12 bậc so với năm 2016.

 

Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc. Kết quả tích cực này đạt được bởi 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc. Trong đó, Nộp thuế (tăng 61 bậc) và Tiếp cận điện năng (tăng 32 bậc) là 2 chỉ số đóng góp đáng kể nhất vào cải thiện môi trường kinh doanh.

Bộ chỉ số thứ ba là đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan (vị trí 51). Sự cải thiện này chủ yếu đạt được nhờ việc cập nhật kịp thời dữ liệu cho Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.

Ngoài ra, trong năm 2017, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch đã tiến hành đánh giá mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam năm 2016. Đến nay, 2 trong 3 tổ chức (gồm Moody’s và Fitch) đã công bố nâng xếp hạng về triển vọng của Việt Nam từ mức ổn định lên mức tích cực.

Riêng về bộ chỉ số Chính phủ điện tử mà Nghị quyết 19 đề cập, năm nay Liên Hiệp quốc chưa công bố vì bộ chỉ số này công bố 2 năm/lần. Do vậy, chưa có kết quả cụ thể về cải cách chỉ số này.

Nỗi lo về tính bền vững của các chỉ số

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện tích cực nhưng vẫn thiếu tính bền vững bởi còn có chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, quả thị trường hàng hoá nhiều năm chưa có sự cải thiện, suy giảm ở hầu hết các chỉ số thành phần, mức độ cạnh tranh (hiệu lực của chính sách chống độc quyền kém, môi trường kinh doanh không thuận lợi) và chất lượng các điều kiện cầu giảm. Chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục ít được cải thiện; trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ tuy có sự cải thiện, nhưng tốc độ chậm.

Việc duy trì tính bền vững, tiến tới nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. Ảnh; Vietnamnet

Không những thế, một số chỉ số về Môi trường kinh doanh vẫn nằm cuối bảng xếp hạng (như Khởi sự kinh doanh - thứ 123; Giải quyết phá sản doanh nghiệp - thứ 129). Đáng chú ý là chỉ số Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nhiều năm nay không có cải cách và sự cải thiện nào. Trụ cột về thể chế (ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh) tuy có sự cải thiện, nhưng còn chậm và vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 6 về xếp hạng năng lực cạnh tranh, và thứ 5 về xếp hạng môi trường kinh doanh. Những năm gần đây, Indonesia, Brunei và Thái Lan liên tục có mức cải thiện nhanh và mạnh mẽ hơn chúng ta. Vì thế mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trở nên thách thức hơn và đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, Tổng cục TCĐLCL được phân công chủ trì tổ chức cải thiện 7 chỉ số, trong đó có 3 chỉ số thuộc nhóm chỉ số ĐMST, đó là “Số chứng chỉ ISO 9001/tỷ $PPP GDP”; “Số chứng chỉ ISO 14001/tỷ $PPP GDP” và “Tốc độ tăng năng suất lao động” (GDP/người lao động).

“Số liệu số chứng chỉ ISO 9001. ISO 14001 được WIPO sử dụng để tính toán trong Chỉ số ĐMST toàn cầu được lấy từ số liệu khảo sát của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế - ISO. Theo công bố của Tổ chức ISO, số chứng chỉ ISO 9001 của Việt Nam năm 2015 là 4.148, số chứng chỉ ISO 14001 là 1.198. Như vậy, số chứng chỉ ISO 9001, ISO 14001 tăng so với 2014”, ông Linh thông tin.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì GDP tính theo PPP năm 2015 của Việt Nam là 553.491 tỷ USD. Dựa vào số liệu này, chỉ số ISO 9001 năm 2017 của Việt Nam là 7,5 ( tăng 1,4% so với năm 2016), chỉ số ISO 14001 năm 2017 của Việt Nam là 2,2 (tăng 37,5% so với năm 2016).

Lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL cho biết, hiện nay các chỉ số này đang tiếp tục tăng so với các năm trước liên quan tới các hoạt động mà Tổng cục triển khai thực hiện trong các năm qua như: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO 9001, ISO 14001; Đẩy mạnh triển khai Chương trình quốc gia năng suất chất lượng và các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tư vấn hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý vào tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

Phong Lâm

Nhiều chỉ số tiêu chuẩn an toàn ở Việt Nam tăng cao(VietQ.vn) - Chỉ số tiêu chuẩn an toàn ở Việt Nam đã tăng cao thời gian gần đây nhờ những cải cách hợp lý trên nhiều lĩnh vực.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang