Ninh Bình: Chuyển đổi số thúc đẩy mua bán hàng hóa, cải thiện đời sống người dân

author 07:43 03/12/2024

(VietQ.vn) - Nhờ có chuyển đổi số, nhiều sản phẩm của hợp tác xã tại Ninh Bình được bán rộng khắp các huyện, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố đặt hàng qua sàn giao dịch điện tử. Qua đó gia tăng thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai nhiều chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Bình xác định “Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số” là một trong ba khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngay sau đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chia sẻ với báo chí, ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, thuận lợi trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thời gian qua của Ninh Bình chính là việc tỉnh đã sớm ban hành nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số với mục tiêu hết sức rõ ràng. Do vậy, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phù hợp về chuyển đổi số luôn được các cấp, các ngành của tỉnh nêu cao tinh thần và xác định mục tiêu rất cụ thể.

Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả. Kết quả, các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đều thuộc tốp cao của cả nước, trong đó Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 đạt 88,72%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2022 và tăng 9 bậc so với năm 2021.

Chuyển đổi số thúc đẩy giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, từ đó cải thiện đời sống người dân. (Ảnh minh họa)

Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô là một trong những địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn thí điểm mô hình “Xã thông minh” từ năm 2020. Đến nay, xã đã ứng dụng thành công chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội, hình thành diện mạo làng số, xã thông minh. Đời sống người dân nơi đây thay đổi tích cực, mức sống được cải thiện và nâng cao. Vừa qua, Yên Hòa đã vinh dự được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu là mô hình điểm “Làng số - Digital village” để các nước trên thế giới tham khảo.

Đại diện Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa cho biết, trước kia, các sản phẩm nông sản của người dân sản xuất ra chỉ bán trong làng, xã. Nhờ có chuyển đổi số mà sản phẩm của hợp tác xã được bán rộng khắp huyện, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố đặt hàng qua sàn giao dịch điện tử. Ví dụ như sản phẩm cá chạch sụn kho niêu, lượng tiêu thụ tăng gấp hơn ba lần; thu nhập người lao động tăng cao, đời sống các xã viên ngày một nâng lên.

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số nhằm kịp thời ban hành chính sách phù hợp thực tiễn công tác chuyển đổi số của địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện với mục tiêu “chuyển đổi số không chỉ chuyển đổi về mặt công nghệ mà còn thay đổi về tư duy quản lý, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, bền vững và tạo ra cơ hội mới cho người dân, đặt người dân làm trung tâm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số”.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang