Ninh Bình phát hiện và thu giữ gần 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu

author 06:56 31/08/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Bình vừa kiểm tra một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em và phát hiện gần 700 sản phẩm nhập lậu.

Thực hiện việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2024, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo đó Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em C.N có địa chỉ tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 660 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại (máy bay đồ chơi, đồ chơi trẻ em xếp hình, đồ chơi hình thú) có trị giá 28,8 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ theo quy định.

Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt hộ kinh doanh T.N.C về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu với số tiền 8 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số tang vật vi phạm nói trên.

Đồ chơi nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Ninh Bình

Bàn về các loại đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc, Tiến sỹ Đào Văn Tấn - Bộ môn Di truyền Hoá Sinh, Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng đã có những nghiên cứu về một số đồ chơi trên thị trường. Qua đó phát hiện nhiều đồ chơi bằng nhựa nhập lậu có lượng muối cadimi cao gấp nhiều lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đặc biệt trong các đồ chơi nhựa nhập lậu thường sẽ có hàm lượng phthalatses cao hơn mức cho phép. Nếu trẻ ngậm đồ chơi, phthalatses sẽ nhanh chóng hòa tan trong nước bọt, trực tiếp đi vào cơ thể và làm thay đổi tuyến nội tiết của trẻ.

Theo quy định tại Quy chuẩn Quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về an toàn đồ chơi trẻ em khi sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường phải đảm bảo về giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại, giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại, chất lỏng trong đồ chơi có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đổ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết bằng giấy có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80 mg/kg. Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNDP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Hàm lượng của các thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu đồ chơi hoặc bộ phận của đồ chơi không được vượt quá các mức được quy định. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa các rủi ro về điện.

Đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang