Nợ xấu Ngân hàng BIDV tăng 1,9% sau khi kiểm toán

author 15:22 09/04/2019

(VietQ.vn) - Nợ xấu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) năm 2018 sau kiểm toán tăng từ 16.698 tỷ đồng lên hơn 18.802 tỷ đồng, tương đương 1,9% so với năm 2017.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Theo BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV không có nhiều thay đổi so với trước khi kiểm toán.

Tuy nhiên, tổng nợ xấu của ngân hàng đã tăng từ 16.698 tỷ đồng lên hơn 18.802 tỷ đồng sau khi có kết quả kiểm toán, tương đương tăng thêm 2.105 tỷ đồng (chênh lệch 13% so với trước khi kiểm toán). Trong đó, khoản tăng này đến từ nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4).

 Nợ xấu BIDV năm 2018 tăng. 

Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn của BIDV đã tăng thêm 603 tỷ đồng, tương đương chênh lệch 12% và nợ nghi ngờ tăng thêm 1.502 tỷ đồng, chênh lệch 32% so với trước khi kiểm toán. Với việc tổng nợ xấu tăng thêm như vậy, BIDV vẫn giữ nguyên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 18.894 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của BIDV vẫn được giữ nguyên như trước khi kiểm toán. 

Như vậy, kết thúc năm 2018, tổng nợ xấu của BIDV tăng từ 14.064 tỷ đồng lên 18.802 tỷ đồng, tương đương tăng 34% so với hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng từ 1.62% lên mức 1.9% so với năm 2017. Tính đến ngày 31/12/2018, lợi nhuận sau thuế của BIDV đạt 7.541 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017 (6.945 tỷ đồng); thu nhập thuần đạt 34,955 tỷ đồng, tăng 13,3% so với 2017 (30.955 tỷ đồng).

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký quyết định ban hành đề cương kiểm toán chuyên đề thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Theo đó, cơ quan kiểm toán sẽ đánh giá việc phê duyệt phương án xử lý nợ xấu; thanh tra, giám sát việc thu hồi nợ xấu tại các ngân hàng.

18 ngân hàng thương mại cổ phần nằm trong diện kiểm toán lần này, gồm CB Bank, GP Bank, Eximbank, ACB, ABB, SeaBank, Techcombank, Bac A Bank, SHB, Sacombank, VPBank, HDBank, VietCapitalBank, Nam A Bank, OCB, VIB, Viet A Bank, VietBank. Cơ quan sẽ kiểm toán phương án xử lý nợ xấu tại 18 ngân hàng trên. Thông qua kiểm toán một số hồ sơ cụ thể, KTNN sẽ làm rõ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu tại các nhà băng này.

Hai nhà băng lớn là VietinBank, BIDV và Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng nằm trong danh sách kiểm toán về phương án, thực hiện xử lý nợ xấu lần này. Riêng VAMC, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá thêm việc mua bán, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo được mua lại từ các ngân hàng.

Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang