Loạt ngân hàng rao bán nợ xấu

author 16:50 18/05/2020

(VietQ.vn) - Nhiều ngân hàng đang rao bán các khoản nợ hoặc phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Công Thương (VietinBank) vừa thông báo bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt. Tổng dư nợ đến ngày 13/5 là 541 tỷ đồng và 16 triệu USD, gồm nợ gốc, lãi cộng dồn và lãi chậm trả.

 Các ngân hàng tích cực rao bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu. Ảnh minh họa

Tài sản đảm bảo đi kèm khoản nợ gồm 17 phần. Trong đó, một loạt bất động sản như 3 thửa đất và tòa nhà 9 tầng tại số 8 Phan Văn Trường, Cầu Giấy (Hà Nội); 42 quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái biển Lạc Việt (Bình Thuận); 90 quyền sử dụng đất tại xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong (Bình Thuận); quyền sử dụng và tài sản của nhiều lô đất khác tại TP HCM, Đà Nẵng, Bến Tre, Lâm Đồng.

Ngoài ra, khoản nợ còn bao gồm một số tài sản khác như xe ôtô Bentley Bentayga 2016, cửa hàng xăng dầu tại Lâm Đồng và hàng tồn kho luân chuyển của công ty.

BIDV vừa qua cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 272 tỷ đồng của Công ty TNHH Phạm Tôn. Tài sản đảm bảo là 5 quyền sử dụng đất tại TP.HCM, Bình Dương, cùng 14 xe ôtô các loại.

Tháng trước, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, chủ đầu tư dự án khu căn hộ Kenton.

Cụ thể, tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tạm tính đến ngày 29/3/2020 là hơn 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM.

Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Giá trị định giá tài sản là 7.837 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 2, BIDV cũng rao bán khoản nợ trị giá gần 1.300 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Vinaxuki Thái Nguyên).

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là 138.814,7m2, Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Việc nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ diễn ra liên tiếp sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 8/2017. Trong danh mục mà ngân hàng đưa ra đấu giá phần nhiều là đất và nhà ở.

Còn hiện tại, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, giới chuyên gia lo ngại nợ tiềm ẩn, nợ xấu ở các ngân hàng thương mại gia tăng khi số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động những tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng cũng đã cân nhắc lại chỉ tiêu kinh doanh năm 2020, tăng dự phòng rủi ro trước nguy cơ nợ xấu có thể gia tăng.

Một Facebook cá nhân bán mỹ phẩm nhập lậu bị ‘tuýt còi’(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn vừa xử phạt một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu qua tài khoản Facebook với tên Bích Phương Mun Cosmetics.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng dao động khoảng 1,8 đến 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến-chế tạo, Vận tải, Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, Giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang