Nỗi lòng người mẹ của bảo vệ “đồng phạm” vụ thẩm mỹ viện Cát Tường

author 15:10 11/11/2013

(VietQ.vn) - “Tôi đang đứt từng khúc ruột đứt ra, con tôi hiền lành thế, ai ngờ…”, đó là lời bà Nguyễn Thị Yến, mẹ Đào Quang Khánh (người “đồng phạm” trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường) chia sẻ về tình cảnh lúc này của mình sau khi cậu con trai độc nhất vướng vào vòng lao lý.

Bà Yến đang "đứt từng khúc ruột" khi con trai vướng vào vòng lao lý

Gia cảnh nghèo khó

Mẹ chồng mới mất được mấy tháng, tinh thần còn chưa phục hồi thì liền đó, bà Yến đã lại phải đón nhận tin sét đánh ngang tai: con trai dính líu vào một vụ giết người phi tang gây xôn xao và phẫn uất trong dư luận. Từ hôm Khánh bị bắt đến nay, bà Yến chẳng còn tâm trí đâu để ăn uống, đầu óc bà đau buốt, đêm nào cũng thức gần tới sáng, nước mắt sụt sù.

Gia đình bà Yến sống trong một căn hộ nhỏ, chỉ khoảng 12m2 nằm trong một hẻm nhỏ ở đường Tây Sơn (Đống Đa, HN). Chồng bà hành nghề xe ôm, công việc mệt mỏi mà nguồn thu cũng thất thường. Bà Yến buôn bán quần áo hàng thùng, mỗi ngày bà phải dậy từ sáng sớm rồi mang hàng tới các công viên, nơi có người tập thể dục để bán từ 4 – 6h. Mỗi ngày bà chỉ bán chớp nhoáng khoảng 1 – 2 tiếng vào sáng sớm, không thể bán cả ngày vì công an đuổi gắt. Cách đây 3 năm, vì bị bệnh, bà Yến còn nằm liệt ở nhà gần 6 tháng trời. Kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn hơn.

Theo lời bà Yến, từ nhỏ đến giờ Khánh rất ít nói. Vì học dốt nên Khánh nghỉ học sớm. Trong thời gian chưa có việc làm, Khánh hay giúp mẹ chở hàng đi bán và thỉnh thoảng ngồi trông hàng hộ mẹ. Khi ấy, bà Yến đã định xin cho con trai đi học nghề cắt tóc ở gần công viên 1/6 ngay gần nhà. Ngặt nỗi muốn học nghề phải mất hơn chục triệu phí đào tạo, hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, không biết kiếm đâu ra số tiền lớn ấy nên bà Yến đành bỏ dự định này. Hiểu chuyện, Khánh cũng nói muốn đi làm thêm trước mắt là đỡ đần bố mẹ được đồng nào hay đồng ấy, sau đó là gom tiền lại để sau này đi học nghề.

Thẩm mỹ viện Cát Tường là nơi làm việc đầu tiên của Khánh sau khi nghỉ học. Công việc bảo vệ này là một người nhà của bà Yến xin giúp. Lúc đầu, thấy Khánh nhỏ tuổi, sợ trông xe làm mất xe của khách nên trước khi đi làm, Khánh đã phải ký vào một bản cam kết rằng nếu làm mất xe của khách thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau những thỏa thuận và ký kết ấy, Khánh mới chính thức được nhận vào làm với mức lương 3.000.000 đồng/tháng.

Bà Yến chia sẻ, thương con đi làm xa nên bà muốn đăng ký cho Khánh chiếc vé xe buýt tháng. Thế nhưng Khánh dứt khoát không chịu. “Nó bảo với tôi rằng đi xe buýt vị chi mỗi ngày cũng hết 5.000 đồng, trong khi đó một cái áo tôi bán chắc cũng chỉ được tầm tiền ấy. Cuối cùng nó vẫn quyết đi bộ từ Tây Sơn ra tận Giải Phóng để làm việc vì muốn tiết kiệm 5.000 đồng mỗi ngày cho tôi”, bà Yến nói trong nghẹn ngào nước mắt.

Nghĩ đến cảnh khổ của gia đình, thương con vất vả, có lần bà Yến định cho con “ăn sang”, muốn mua cho Khánh bán bún thịt tẩm bổ vào buổi sáng. Ấy thế nhưng Khánh gạt đi: “Mẹ mua bún ấy cho con làm gì. Mẹ cứ mua một ki-lo-gam bún trắng có phải cả nhà mình ăn đủ, vừa rẻ vừa no hơn không”. Tháng lương đầu tiên mà thẩm mỹ viện Cát Tường trả, Khánh đưa hết cho bố. Bà Yến kể: “Hôm ấy bố nó bảo nên giữ lại một ít phòng thân, nó nghe vậy nhưng cũng chỉ xin giữ lại mấy chục để uống nước non hoặc hôm nào khách hàng về muộn thì mua tạm cái gì ăn lót dạ”.

Vừa kể về cậu con trai mình, bà Yến vừa khóc nghẹn, vừa nhìn quanh vào ngôi nhà chật chội, nước mắt rơi lã chã. Chỉ tay vào chiếc ti vi, bà kể: “Đây là cái ti vi cũ của cô em họ tôi. Nhà nó trước làm quán ăn nhưng người ta cho thuê địa điểm đắt quá nên không làm nữa, còn cái ti vi nó bảo bán lại cho tôi với cái giá vừa bán vừa cho, khoảng 2 triệu đồng”. Lúc đầu bà Yến cũng dè dặt chưa biết nên mua hay không thì được con trai động viên: “Bố mẹ cứ lấy tiền lương của con ra mà mua”. Và từ hôm ấy, gia đình bà Yến có vẻ bớt trầm lắng đi, không gian đông đặc sự yên tĩnh được phá vỡ bởi những âm thanh phát ra từ tiếng ti vi ấy.

Vậy nhưng niềm vui chưa tày gang thì một cú sốc lớn lại dội đến…

Tin sét đánh và những ngày tháng suy sụp

Theo lời bà Yến, tối hôm được cho là Khánh cùng bác sỹ Tường vứt xác chị Huyền xuống sông phi tang, khi trở về nhà Khánh rất mệt mỏi. “Hôm ấy nó về nhà khoảng 8h tối rồi đi tắm. Đang tắm thì tôi thấy điện thoại của nó báo cuộc gọi của bác sỹ Tường. Tôi chuyển máy cho con, nó tắm vội vàng rồi bước ra. Vợ chồng tôi bảo ăn cơm cùng nhưng nó không ăn, nói là ra đây một lát có tý việc rồi về luôn. Mãi tới khuya tôi mới thấy nó về rồi vào thẳng trong giường nằm. Nhưng chỉ được một lát thì thấy nó chạy ra ngoài vì bảo thấy lạnh. Tôi nghĩ chắc do nằm chiếu trúc bị lạnh lưng nên để cho nó nằm cùng luôn với hai vợ chồng tôi”.

Sáng hôm sau, Khánh bảo với bà Yến hôm nay xin nghỉ nửa buổi làm. Được một lát thì có nhân viên ở thẩm mỹ viện Cát Tường gọi điện tới, bà Yến nghe máy và nói lại với người này rằng Khánh xin nghỉ nửa buổi nhưng người này nhất định bảo bà chuyển máy cho Khánh. Nghe xong cuộc điện thoại đó, Khánh vùng dậy và lại đi làm. Sau đó, thì bà Yến nghe được tin dữ.

Vốn có tiền sử cao huyết áp, chuyện mẹ chồng mất chưa nguôi, giờ lại đến lượt con trai vướng vòng lao lý, “con dại cái mang” ngày nào bà Yến cũng thần người ra suy nghĩ, nghĩ đến buốt đầu. Nhiều đêm bà mất ngủ, nước mắt trào ra, bà lại lóp ngóp bò dậy thắp nén hương khấn vái tổ tiên phù hộ cho đứa con ít tuổi dại dột.

Từ ngày con bị bắt, mỗi ngày đều trở nên dài lê thê. Bà bảo, từ hôm công an tạm giam Khánh, mọi liên lạc bị cắt đứt, bà luôn lo lắng không biết tình trạng con mình ra sao, sức khỏe, tâm lý thế nào. Mãi đến hôm rồi, bà mới gửi được cho con ít bánh kẹo. Bà thủ thỉ: “Cứ nghĩ đến cảnh những người khác có đồng quà tấm bánh người thân họ gửi vào còn con mình chẳng có gì cũng tủi thân lắm chứ.  Mãi tới hôm rồi,  tôi gom được ít tiền mới mua gửi cho nó ít quà bánh. Cũng muốn nhìn xem mặt mũi con ra sao nhưng không được phép”.

Mong con được hưởng khoan hồng

Dù mệt mỏi và kiệt quệ tinh thần nhưng mỗi sáng bà Yến vẫn cố gắng đi bán hàng. “Mang tiếng là nhà ở Hà Nội nhưng cô cứ thử nhìn cái cảnh sống tối tăm, bần hàn này là cô thấy chúng tôi khổ thế nào rồi đấy. Vợ chồng tôi giờ đều có tuổi, buôn bán rồi xe ôm giờ đều ế ẩm, có thằng con trai độc nhất để làm chỗ dựa thì giờ thành ra như vậy. Tôi đang đứt từng khúc ruột đứt ra, con tôi hiền lành thế, ai ngờ….”, bà ngậm ngùi.

Thương con bao nhiêu, bà Yến trách bác sỹ Tường bấy nhiêu. Bà bảo sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, Khánh đã chịu không ít thiệt thòi. Tuổi đời ít, va chạm xã hội chưa có nên Khánh dễ bị dụ dỗ, sai khiến. Có lẽ cũng vì vậy mà trong rất nhiều nhân viên của thẩm mỹ viện, bác sỹ Tường mới chọn Khánh để trở thành đồng phạm của mình. Một số hàng xóm cũng khuyên bà nên đi gặp vợ của bác sỹ Tường hoặc gia đình chị Huyền để tìm hướng đi tốt nhất cho vụ việc, nhưng đến giờ bà vẫn chưa đi chỉ bởi bà sợ một người ít học như mình đến gặp người ta cũng chẳng biết cách ăn nói. Giờ bà chỉ mong xác chị Huyền sớm được tìm thấy, mọi chuyện được làm sáng tỏ và con bà được hưởng sự khoan hồng của pháp luật vì suy cho cùng mọi lỗi lầm của Khánh là do sự dại dột, bồng bột của tuổi trẻ khi choáng ngợp trước những lời dụ dỗ quá “bùi tai” của bác sỹ Tường.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang