Nông sản Việt bắt đầu đạt chuẩn, đáp ứng chuẩn mực cao của thế giới

author 06:03 28/05/2022

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, việc xuất khẩu đạt 23,2 tỷ USD chứng tỏ nông sản chúng ta đã bắt đầu được thị trường đón nhận, đạt chuẩn của thị trường.

Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2021 vừa qua thì có nét chấm phá rất đáng ghi nhận là xuất khẩu nông, lâm thủy sản đã cán mức kỉ lục 48,6 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng.

Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao vào Hội nghị tổng kết vừa rồi là làm sao trong năm 2022 đạt trên 48,6 tỷ USD (con số của năm 2021). Ngành cũng đưa ra con số rất khiêm tốn là trên 50 tỷ USD. Nhưng Thủ tưởng nói rằng trên đà này thì nông nghiệp phải phấn đấu cao hơn nữa. 

Đến hết tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như thế xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm. Tất nhiên chặng đường phía trước vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng rõ ràng trong 5 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp cũng đã vượt qua hàng loạt khó khăn như COVID-19, vấn đề thông cửa khẩu, đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gẫy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

"Ngành nông nghiệp cũng tự tin về một số nét chấm phá trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã thích ứng được, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. Chỉ khi chúng ta điều chỉnh được thì thị trường mới chấp nhận như thế và con số xuất khẩu mới được như thế.

Rõ ràng đây mà một xu thế, là nét chấm phá đầu tiên của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt cũng như đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo tư duy mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: VGP

Rõ ràng, bên cạnh những khó khăn gặp phải trong thời gian vừa qua mà báo chí đã phản ánh và bà con nông dân đều âu lo, đều thấp thỏm là vật tư đầu vào (vấn đề tồn tại nhiều năm) nhưng có một tín hiệu là đã có nhiều nông dân tự mình giảm chi phí đầu vào bằng cách dùng các chế phẩm sinh học tự sản xuất được trong nhà", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ đã bắt đầu giao cho viện trường nghiên cứu các giải pháp. Một trong những chiến lược sắp tới là tính toán chi phí, bởi chi phí là thứ có thể quyết định được còn giá bán đầu ra thì cung cầu thị trường thế giới sẽ quyết định. Việc giảm chi phí nông nghiệp là một chiến lược. Rất nhiều mô hình của chính bà con nông dân tự nghĩ ra hoặc của các dự án, những mô hình mà Bộ NN&PTNT cùng các tổ chức quốc tế định hình ở vùng Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, kể cả ở Tây Nguyên trong lĩnh vực cà phê.

Chúng ta đạt được mục tiêu kép, một là giảm chi phí, hai là chất lượng tăng lên. Mặc dù sản lượng không cao bởi vì dùng hữu cơ và chế phẩm sinh học nhưng chính bà con nói rằng ít như vậy nhưng giá bán cao hơn, bù được, thâm chí còn lời hơn so với theo tư duy truyền thống, khi chúng ta quá lạm dụng vật tư đầu vào khiến chi phí đội lên, chất lượng nông sản lại không đạt được yêu cầu của thị trường. Đến giờ, con số xuất khẩu đạt được 23,2 tỷ USD chứng tỏ rõ ràng rằng nông sản chúng ta đã bắt đầu được thị trường đón nhận, đạt chuẩn của thị trường.

Đưa ra những dự báo cho kinh tế nước nhà nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, những gì đúc kết được, thông tin đánh giá, từ năm 2021 khó khăn, 6 tháng đầu năm khó nhưng chỉ số xếp hạng, chỉ số cạnh tranh, tiếp cận thị trường, thương mại, du lịch do các tổ chức quốc tế xếp hạng khách quan, thể hiện nước ta đã đứng vững, có hình ảnh, vai trò. Tuy nhiên, bối cảnh này không phải "xuôi chèo mát mái" mà sẽ vẫn có nhiều khó khăn thách thức.

Nông sản Việt ngày càng đáp ứng chuẩn mực cao của thế giới 

"Qua tháng 9/2021 đóng băng 19 tỉnh phía nam, chúng ta đã có kinh nghiệm phối hợp đồng bộ trong hệ thống, kích hoạt tham gia của xã hội với nhiều doanh nghiệp, người dân. Chúng ta có các thiết chế xã hội hỗ trợ hệ thống đó là tín hiệu lạc quan. Riêng nông nghiệp, sau khi đi đàm phán, sắp tới họ chọn Việt Nam là trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm, lương thực châu Á, họ có niềm tin để quyết định đầu tư.

Niềm tin do nhiều yếu tố, thông điệp lãnh đạo đưa ra: Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, và chúng ta luôn thực hiện thông điệp đó. Thời gian gần đây, về nông nghiệp chúng ta ngày càng năng động. Từ nông sản thô bán ở thị trường dễ tính đã đi đến thị trường khó tính dù số lượng chưa nhiều, cho thấy sản phẩm nông nghiệp đáp ứng chuẩn mực cao nhất của thế giới.

“Điểm khó nhất là quốc gia vừa xuất, vừa nhập; nhập để xuất đan xen. Thái độ thế nào thì sắp tới phải hiểu bối cảnh cạnh tranh có đi có lại, không thể nhân cơ hội làm khó vì nó sẽ tác động ngược lại. Nếu đánh mạnh có thể anh tổn thương, phải linh hoạt. Nhưng niềm tin xã hội quyết định cho con đường ta đi. Nếu nhìn khía cạnh lạc quan hơn, những tín hiệu mặc dù là nhỏ, nhưng cần nhìn vào sức lan toả ra, không phải vì nhỏ quá mà không để ý. Còn nhiều vấn đề day dứt, nhưng cần nhìn tích cực, kích hoạt niềm tin xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang