Nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ 'đội lốt' hàng Việt

author 09:36 28/04/2024

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận, trên thị trường đang rao bán rất nhiều sản phẩm nông sản xuất xứ không rõ ràng nhưng lại được quảng bá là sản phẩm Việt Nam khiến không ít người hoang mang.

Thời điểm này, tại hệ thống chợ dân sinh và trên các hội nhóm của mạng xã hội Facebook, Zalo bày bán khá nhiều sản phẩm cải mầm đá với giá rẻ từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, được quảng bá là “hàng chính gốc Sa Pa”.

Thế nhưng theo một chủ sạp kinh doanh rau quả tại chợ đầu mối phía Nam, cải mầm đá giá rẻ bày bán tại Hà Nội chủ yếu là hàng Côn Minh (Trung Quốc) đưa vào Việt Nam tại cửa khẩu Lào Cai chứ không phải hàng Sa Pa. Diện tích trồng cải mầm đá tại Bắc Hà và Sa Pa chỉ khoảng 10ha và đã sắp hết mùa thu hoạch nên giá bán dao động từ 45.000 - 70.000 đồng/kg, không có giá rẻ như các tiểu thương quảng cáo.

Tương tự, với mặt hàng hoa quả, nhiều tiểu thương bầy bán táo đá Hà Giang, nho Ninh Thuận với giá khá rẻ chỉ 15.000-35.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội), anh Nguyễn Phương Bắc, chủ đại lý cung cấp hoa quả cho biết, mặt hàng được gọi là táo đá Hà Giang thực chất là hàng nhập từ Trung Quốc về theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, mặt hàng này đã được tiểu thương gắn mác táo Hà Giang để lấy lòng người mua.

Nhiều nông sản không rõ nguồn gốc giá rẻ dưới tên gọi sản phẩm cùng loại với nông sản Việt Nam được bán tràn lan. (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Chia sẻ việc sản phẩm nho Trung Quốc mạo danh nho Ninh Thuận, chủ trang trại nho Ba Mọi (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) Nguyễn Văn Mọi cho rằng, thời gian gần đây, nho Ninh Thuận bị nho Trung Quốc mạo danh. Riêng về giá bán, nếu chỉ 20.000 – 30.000/kg là không có bởi ngay đối với nho loại 2, loại 3, thương lái đã mua tại vườn với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg, còn nho loại 1 phải từ 50.000 đồng/kg. Riêng đối với thương hiệu nho Ba Mọi, trang trại chỉ phân phối tại hệ thống các siêu thị như Coop Mart, BigC, Vinmart…

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho thấy, thời gian qua xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi sản phẩm cùng loại với nông sản Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm và cải mầm đá Sa Pa... hoặc dán nhãn mác hàng Việt, đánh lừa người tiêu dùng.

Đơn cử, mới đây, Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra hộ kinh doanh trái cây tại địa chỉ số 9 Hồng Hà, phường Yên Phụ (Tây Hồ) phát hiện hộ này đang kinh doanh 450 kg cam có xuất xứ từ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Chủ cửa hàng thừa nhận số lượng cam này sẽ núp bóng nông sản Việt để tiêu thụ.

Thông tin về những thủ đoạn nông sản ngoại núp bóng hàng Việt để tiêu thụ, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, việc nông sản ngoại đội lốt hàng Việt Nam đang diễn ra với hai hình thức. Cụ thể, hàng nước ngoài nhập khẩu sau đó trộn cùng nông sản Việt Nam để bán ra thị trường hoặc thay mác thành hàng Việt Nam. Hiện tượng "đội lốt" nói trên là hình thức gian lận thương mại trong kinh doanh.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, nhiều loại hoa quả Việt đã bị thương lái làm giả thương hiệu, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt. Nhiều loại nông sản sản xuất trong nước nhưng lại bị “hô biến” thành sản phẩm nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch song được gắn mác sản phẩm Việt. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, hợp tác xã sản xuất chân chính, mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.

Các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay tại thị trường trong nước là do việc quản lý thương hiệu còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của hợp tác xã còn manh mún, nhỏ lẻ.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng cho rằng, lực lượng quản lý thị trường cần kiên quyết đấu tranh chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để gìn giữ giá trị cho người sản xuất chân chính. Việc cần làm hiện nay là phải thay đổi nhận thức cho các chủ thể. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần phát triển những vùng nguyên liệu sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng mã vùng, mã số. Mỗi địa phương cũng nên chọn một vài sản phẩm đặc trưng của mình để hỗ trợ xây dựng, bởi nếu chỉ có hô hào mà thiếu sự hỗ trợ thì doanh nghiệp cũng khó bắt tay với chủ thể sản xuất để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ có tình trạng này là do các quy định của pháp luật còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp thực tế, thiếu các quy định nhận diện hàng Việt. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, hiện các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Đồng thời các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để đối với nông sản, thủy sản.

"Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với sản phẩm "không bảo đảm an toàn” thì thương nhân mới phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc với thực phẩm"- bà Hậu dẫn chứng

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) Nguyễn Đức Lê chia sẻ, mặc dù pháp luật đã quy định chi tiết về cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam, tuy nhiên, quy định này mới được áp dụng cho hàng xuất khẩu, không áp dụng đối với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, nhất là mặt hàng nông sản các cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào quy định nào để xác định đó có phải là nông sản Việt Nam hay không.

Để giải quyết những bất cập trên, vừa qua Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông - thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Giao Bộ Công Thương xây dựng văn bản quy định như thế nào là sản phẩm Việt Nam áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Bên cạnh đó, giao Bộ Y tế rà soát quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, để kiểm soát truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả, cơ quan chức năng phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thương mại biên giới như hải quan, biên phòng… tiếp đến là lực lượng quản lý thị trường trong nước. Làm được như vậy mới kiểm soát được việc ghi nhãn mác hàng hóa.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang