Nông sản Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang các thị trường lớn
Cảnh báo nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ nhỏ nếu lạm dụng đồ công nghệ
Cảnh báo: Cô gái trẻ suýt mất mạng do tự uống thuốc phá thai mua trên mạng
Cảnh báo về ca mắc sốt rét ác tính hiếm gặp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng ngành hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 4,58 tỷ USD.
Trong 8 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 223,5 triệu USD và 223 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm lần lượt 4,88% và 4,87% về thị phần. Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 141 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng của nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Điều này thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua thị trường này tăng. Một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam được Thái Lan nhập khẩu sẽ dùng để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Theo đó, tại khu vực thị trường này, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm 69% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sau 8 tháng. Có thể nói, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan, mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như EU, Hoa Kỳ…
Ảnh minh họa.
Đề cập về chủng loại trái cây, ông Nguyên cho hay, sầu riêng vẫn đang đứng “đầu bảng” về xuất khẩu. Trong 8 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự báo nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc còn tiếp tục tăng để phục vụ lễ hội Trung thu sắp tới. Đáng chú ý, ngày 19/8 mới đây, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng mạnh mẽ, vững chắc hơn.
"Việc mở thêm xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ hỗ trợ qua lại những lúc sầu riêng rộ mùa không tiêu thụ kịp, có thể đưa qua chế biến. Điều này sẽ làm tăng giá trị cho sầu riêng và nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Nghị định thư này cũng đặt nền móng trong tương lai cho ngành sầu riêng phát triển theo hướng chế biến, phù hợp với xu hướng thế giới và Trung Quốc có thể chuyển sang sầu riêng đông lạnh nhiều để tiết kiệm vận chuyển, tiện lợi hơn", ông Nguyên nhận định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha diện tích trồng các loại trái cây tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới, trong đó thanh long, xoài, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm... là những loại đang đem lại giá trị cao. Về sản lượng, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 12-14 triệu tấn trái cây. Trái cây Việt Nam đã hiện diện tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Âu... và ngày càng được ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng.
Hiện tại, nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 180 thị trường với 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang được thực thi và 3 FTA đang ký kết. Nhiều thị trường "khó tính" có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, trong đó có Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.
Hiện, chanh leo sẽ là loại trái cây tươi thứ 9 được xuất khẩu sang thị trường Mỹ cùng với thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: Chanh không hạt, ổi, mít.
Các thị trường nhập khẩu tại các quốc gia có phân khúc trung bình như ASEAN và phân khúc thị trường cao cấp như Hàn Quốc, EU có nhu cầu đối với sản phẩm nông sản Việt Nam rất cao. Bên cạnh việc mở cửa thị trường, để nông sản nói chung và trái cây nói riêng tận dụng hết tiềm năng, lợi thế tại các thị trường này, đòi hỏi chuẩn hóa vùng nguyên liệu về cả chất lượng, ổn định về số lượng.
Các hiệp hội ngành hàng nông sản nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, hàng nông sản nước ta mới có thể tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tại hai thị trường hàng đầu của xuất khẩu nông sản Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đều đang có nhiều tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những tháng cuối năm và các năm tới. Với đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể sẽ vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Khánh Mai (t/h)