Nước yến nhưng gần như không có yến: Cần bộ tiêu chuẩn cụ thể

author 16:05 18/11/2020

(VietQ.vn) - Việc không có quy định cụ thể nào trong việc đặt tên sản phẩm phải liên quan đến thành phần có trong sản phẩm, đã khiến cho “nước yến” được nhiều đơn vị đặt vô tội vạ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan đến việc thành phần yến chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên tổng khối lượng sản phẩm nhưng vẫn đặt tên sản phẩm là “nước yến”, mới đây, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (khu công nghiệp Tam Phước, xã Tam Phước, Biên Hoà, Đồng Nai) đã có phản hồi thông tin cho PV Chất lượng Việt Nam Online.

Theo đại diện đơn vị này, hiện tại, chưa có quy định nào về mức định lượng thành phần yến sào cho từng sản phẩm “nước yến” cụ thể. Chính vì vậy, không có cơ sở pháp lý để đánh giá hàm lượng yến sào trong sản phẩm “nước yến” như thế nào là thấp.

Doanh nghiệp này cũng cho rằng, việc công ty lấy tên cho sản phẩm là “nước yến”, hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật theo từng thời kỳ và luôn minh bạch về việc ghi thông tin trên nhãn sản phẩm, hiện nay là theo Luật An toàn Thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Liên quan đến việc thành phần yến trong sản phẩm quá ít, thậm chí ít hơn rất nhiều so với các thành phần khác nhưng vẫn được gọi là “nước yến”, liệu có phải là phương thức mượn danh để bán hàng của doanh nghiệp, đại diện công ty cho rằng, đây là nhận định chủ quan và không có cơ sở về mặt pháp lý. Công ty luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật từ khâu sản xuất đến việc công bố thông tin sản phẩm trên nhãn, hoàn toàn trung thực trong quảng cáo sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Đồng thời, hoàn toàn ủng hộ nếu Nhà nước có những quy định pháp luật về việc quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với sản phẩm đồ ăn, thức uống ở từng lĩnh vực.

Đã đến lúc, cần có 1 quy định cụ thể về tỷ lệ yến có trong một tên gọi của sản phẩm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Những phản hồi của Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế trên thực tế là không sai so với quy định của pháp luật. Thế nhưng, liệu nó có phải là công bằng, minh bạch với người tiêu dùng?

Bởi, tại sao thành phần yến trong các loại “nước yến”, chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhung lại được các nhà sản xuất dùng làm tên cho sản phẩm? Điều này có làm cho người tiêu dùng ngộ nhận, dẫn đến việc mua và sử dụng hay không?

Trên thực tế, nhiều người vẫn nghĩ trong nước yến sẽ phải có yến, uống yến sẽ tốt cho sức khoẻ, nhưng đâu ai biết, những sản phẩm này cũng không khác gì những sản phẩm nước ngọt thông thường. Không phải người tiêu dùng nào, khi đi mua 1 sản phẩm, đều sẽ chú ý đến thành phần ghi trên nhãn mác, mà phần lớn lựa chọn dựa trên thương hiệu và tên gọi của sản phẩm.

Hiện nay, việc ghi, gắn nhãn hàng hoá đang áp dụng Nghị định 43, Nghị định 197, Luật Quảng cáo 2012 có sửa đổi, bổ sung… Thế nhưng, lại chưa hề có bộ tiêu chuẩn cụ thể để làm cơ sở định nghĩa sản phẩm, để từ đó bắt buộc các nhà sản xuất gắn nhãn chính xác, đúng bản chất của sản phẩm.

Nói một cách đơn giản, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu của Luật Quảng cáo cũng như các Nghị định liên quan đến quảng cáo, thì nhà sản xuất có thể thoải mái đặt tên cho sản phẩm của mình, bất kể trong đó thành phần của sản phẩm được đặt tên có tỷ lệ bao nhiêu, nhiều hay ít.

Không chỉ riêng sản phẩm nước yến, mà cả ở những lĩnh vực khác như cà phê, nước chấm… cũng đang gặp tình trạng tương tự. Không phải gói cà phê nào cũng có thành phần chính là cà phê. Điều này, khiến cho áp lực về tiêu dùng, mua sắm lại đẩy về phía khách hàng. Muốn mua được một sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu, khách hàng buộc phải là người tiêu dùng thông minh.

Luật sư Lê Ngô Trung, Hãng luật Trung Lê và cộng sự cho biết, hiện nay, chưa có quy định nào về định lượng thành phần yến trong một sản phẩm phải ở mức như thế nào thì mới được gọi là nước yến. Tương tự cũng như ở nhiều sản phẩm khác như cà phê, nước chấm…

Dù mỗi sản phẩm ra thị trường, đều chịu sự quản lý của rất nhiều Bộ, ngành, nhưng trên thực tế, vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn để làm cơ sở định nghĩa sản phẩm để từ đó bắt buộc các nhà sản xuất gắn nhãn chính xác, đúng bản chất sản phẩm hiện nay dẫn đến tình trạng vô cùng phức tạp.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thời gian tới, Nhà nước cần có những quy định cụ thể. Chẳng hạn, tỷ lệ yến trong một sản phẩm phải là bao nhiêu mới được cho phép đặt tên là nước yến... Trong trường hợp không đáp ứng đủ tỷ lệ trong sản phẩm, thì có thể thay thế bằng một tên gọi khác, tránh gây hiểu nhầm và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thiện An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang