Ô nhiễm không khí có thể khiến thai phụ sinh muộn hơn và nguy hiểm tới thai nhi

author 16:57 17/02/2025

(VietQ.vn) - Theo một nghiên cứu mới đây tại Úc cho thấy, ô nhiễm không khí có thể gây sinh muộn. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.

Tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải xe cộ và khí đốt nhiên liệu cũng như các nhà máy xả khói mà không xử lý triệt để hoặc thậm chí xả thẳng ra môi trường là một trong những vấn đề nhức nhối toàn cầu hiện nay. Các loại hạt ô nhiễm phổ biến như bụi, bụi bẩn, hay khói dễ dàng phát hiện bằng mắt thường, nhưng những hạt ô nhiễm có kích thước nano chỉ có thể phát hiện thông qua kính hiển vi điện tử. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 90% dân số thế giới hiện nay đang sinh sống ở những nơi ô nhiễm không khí nằm trên mức an toàn. Đây là một con số đáng báo động bởi ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống, sức khỏe con người, đặc biệt là những bà mẹ đang mang thai. 

Tiến sĩ Pratibha Singhal - Giám đốc Khoa Phụ sản tại Cloudnine Group of Hospitals tại Noida, Ấn Độ cho biết, phụ nữ mang thai và thai nhi đang phát triển rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác hại của ô nhiễm không khí. Nồng độ cao của các hạt vật chất (PM), nitơ dioxide (NO2), lưu huỳnh dioxide (SO2) và các chất ô nhiễm khác có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

Theo nghiên cứu mới đây nhất được công bố trên tạp chí Urban Climatedo tiến sĩ Sylvester Dodzi Nyadanu, nhà nghiên cứu về sức khỏe môi trường tại Đại học Curtin, Úc, cho biết những người mẹ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao và nhiệt độ khắc nghiệt trong thai kỳ có nguy cơ sinh con muộn hơn so với bình thường.

Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng tiêu cực tới thai nhi. Ảnh minh họa

Thông thường, một thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần. Trẻ sinh sau tuần 41 hoặc 42 được gọi là sinh "muộn" hoặc "quá muộn". Việc sinh muộn có thể làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã theo dõi mức độ tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 của 393.384 thai phụ hằng tháng, từ ba tháng trước khi thụ thai cho đến khi sinh, dựa trên nơi họ sinh sống. Đồng thời họ sử dụng chỉ số khí hậu nhiệt độ phổ quát (UTCI) để ước tính mức độ căng thẳng nhiệt mà cơ thể phải chịu do thời tiết, có tính đến các yếu tố như nhiệt độ không khí và độ ẩm.

Kết quả cho thấy 12% tương đương 47.380 thai phụ có thai kỳ kéo dài từ 41 tuần trở lên. Mức độ tiếp xúc cao hơn với PM2.5 và căng thẳng nhiệt làm tăng khả năng xảy ra tình trạng này, sau khi các nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thời gian mang thai như hút thuốc, tình trạng kinh tế - xã hội, chủng tộc và dân tộc, tuổi của người mẹ. Những người sinh con đầu lòng, người trên 35 tuổi và người sống ở khu vực đô thị đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động này.

Tiến sĩ Sylvester Dodzi Nyadanu cho biết: "Chúng ta đã biết rõ về những rủi ro sức khỏe khi 'sinh quá sớm' - sinh non, nhưng rất ít người chú ý đến những rủi ro của việc 'sinh quá muộn'".

Liên quan tới tình trạng ô nhiễm không khí đến thai phụ, một nghiên cứu trước đó đăng trên tạp chí Nature Communications ở tất cả 25 người phụ nữ đang mang thai và không hút thuốc tại thị trấn Hasselt, thủ phủ của tỉnh Limburg, vùng Flanders, Bỉ, tình nguyện tham gia, các nhà khoa học đều phát hiện ra các hạt ô nhiễm trong nhau thai.

Cụ thể, số lượng hạt tìm thấy tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm không khí mà các bà mẹ trải qua. Có trung bình 20.000 hạt trên mỗi milimet khối trong nhau thai của những người sống gần các trục đường chính. Đối với những người sống ở xa hơn, trung bình là 10.000 trên mỗi milimét khối. Tuy các mức độ ô nhiễm này thấp hơn giới hạn cho phép của Liên minh châu Âu (EU), nhưng lại cao hơn mức mà WHO đưa ra.

Giáo sư Tim Nawrot đến từ Đại học Hasselt tại Bỉ, đồng thời là chủ nhiệm đề tài cho biết, thời kỳ bào thai là thời kì nhạy cảm nhất đối với thai nhi bởi các hệ cơ quan đang trong quá trình hình thành và phát triển. Ô nhiễm không khí có khả năng gây tổn thương tới các cơ quan nội tạng và từng tế bào trên cơ thể thai nhi.

Theo ông Nawrot, nếu nhau thai chứa các hạt ô nhiễm thì thai nhi cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Hiên tại, họ đang tiến hành phân tích máu thai nhi nhằm phát hiện các hạt mịn có ảnh hưởng thế nào tới thai nhi, chẳng hạn như nguy cơ phá hủy cấu trúc ADN.

Nhà khoa học này nói thêm, Tổ chức WHO coi ô nhiễm không khí là “tình trạng khẩn cấp liên quan tới sức khỏe cộng đồng”. Vì vậy, để bảo vệ thai nhi ngay từ trong bụng mẹ, chúng ta cần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường một cách triệt để, bền vững.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang