Ô tô có đèn ban ngày hỗ trợ giảm tỉ lệ tai nạn giao thông

author 17:08 17/04/2023

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, xe ô tô có trang bị đèn chạy ban ngày có khả năng giảm tỷ lệ tai nạn với xe khác trung bình gần 9%.

Định nghĩa về đèn ô tô ban ngày

Đèn ban ngày ô tô, Daytime Running Lights - DRL, là một thiết bị chiếu sáng được bật vào ban ngày, kể cả trong môi trường đủ ánh sáng. Chúng được gắn ở phía trước đầu xe và lắp đặt theo một cặp. Đèn thường có màu vàng, trắng hoặc hổ phách để giúp người đi bộ và các phương tiện lưu thông dễ dàng nhận biết trong điều kiện ban ngày. Đèn DRL sẽ tự động bật lên mỗi khi xe nổ máy, vì vậy nếu nhìn thấy một chiếc ô tô đang đậu hoặc đỗ bên đường nhưng sáng đèn vào ban ngày thì có nghĩa là xe đang nổ máy, chuẩn bị di chuyển.

Ở các nước châu Âu (EU), đèn ban ngày ô tô là trang bị bắt buộc đối với các phương tiện giao thông. Tại Việt Nam, chưa có quy định bắt buộc sử dụng loại đèn này. Trong thời gian tới, khi điều luật này được áp dụng chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về thói quen sử dụng đèn xe khi tham gia giao thông của người Việt, nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn vào ban ngày.

Lợi ích của việc sử dụng đèn ban ngày ô tô

Sử dụng đèn ban ngày ô tô là giải pháp giúp tăng độ sáng trực quan để người điều khiển dễ dàng phát hiện xe ngược chiều từ xa, góp phần giảm thiểu rủi ro xảy ra tai nạn giao thông vào ban ngày.

Theo nghiên cứu của ban An toàn giao thông tại Ủy ban châu Âu, sau khi áp dụng quy định ô tô phải bật đèn ban ngày, tỷ lệ tai nạn giao thông có chiều hướng giảm đáng kể. Cụ thể, chỉ trong vòng 2 tháng sau khi luật được áp dụng, tỉ lệ các vụ tai nạn liên quan đến xe ô tô vào ban ngày ở Na Uy giảm 37% hay tại Đức giảm 25%. Bên cạnh việc giúp các tài xế dễ dàng phát hiện xe ngược chiều thì đèn ban ngày còn có nhiệm vụ báo hiệu xe đang ở trạng thái nổ máy để tránh tình huống hiểu nhầm bất ngờ. Đồng thời, việc trang bị đèn DRL còn làm tăng tính thẩm mỹ cho ô tô.

Xe ô tô có trang bị đèn chạy ban ngày có khả năng giảm tỷ lệ tai nạn với xe khác trung bình gần 9%. Ảnh minh họa

Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu tai nạn, Đại học Monash, Melbourne, Australia cho thấy, những phương tiện được trang bị đèn chạy ban ngày (Daytime Running Light - DRL) có khả năng tránh các va chạm do sự thiếu quan sát của chủ xe khác cao hơn so với những phương tiện không được gắn trang bị này

Nghiên cứu sử dụng các dữ liệu của cảnh sát để ước tính hiệu quả của đèn ban ngày trong việc giảm nguy cơ tai nạn khi trời sáng. Trong 119.606 vụ va chạm có thương vong, có 11.013 vụ va chạm có phương tiện được trang bị đèn chạy ban ngày.

Kết quả cho thấy, xe trang bị đèn chạy ban ngày có thể giảm thiểu tỷ lệ gặp tai nạn với xe khác trung bình 8,8%. Thậm chí, mức giảm thiểu tai nạn còn cao hơn khi xe chạy tốc độ cao trên 75 km/h (13,8%), hoặc khi trời nhập nhoạng tối (20,3%), tức chưa tối hẳn để đèn chính hoạt động, mà chỉ có đèn chạy ban ngày bật. Nếu trời nhập nhoạng tối và xe di chuyển tốc độ trên 75 km/h, tỷ lệ giảm thiểu tai nạn của đèn chạy ban ngày lên lến 23,8%.

Ở nhiều khu vực trên thế giới, đèn chạy ban ngày là bắt buộc trên xe. Vào năm 1972, Phần Lan bắt buộc người lái xe phải sử dụng đèn chạy ban ngày ở vùng nông thôn, đường có tuyết trong mùa đông. Năm 1977, Thụy Điển cũng ban hành lệnh tương tự, nhưng được mở rộng cho mọi phương tiện tại nơi đây. Na Uy, Iceland và Đan Mạch lần lượt đưa ra luật về đèn chạy ban ngày vào các năm 1986, 1988 và 1990. Châu Âu bắt buộc các xe bán ra phải được trang bị đèn chạy ban ngày vào năm 2011. Dần dần, đèn chạy ban ngày trở thành trang bị quen thuộc trên các mẫu xe mới hiện nay, ở hầu hết mọi nơi trên thế giới

QCVN 35:2010/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Quy chuẩn này quy định về kiểm tra đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước (sau đây được gọi chung là đèn) của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đối tượng áp dụng: Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đèn, sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với đèn.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang