Ô tô nhập khẩu về Việt Nam: Tiếp tục tranh cãi, chưa có hồi kết

authorHòa Lê 17:00 26/02/2018

(VietQ.vn) - Diễn biến của buổi đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô ngày càng "nóng" và căng thẳng hơn.

Sự kiện: Ô tô - Xe máy

Diễn biến của buổi đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì sáng ngày 26/2 ngày càng "nóng" và căng thẳng hơn khi đại diện hai khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên tục đưa ra những phản biện liên quan đến các quy định của Nghị định 116.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam Toru Kinoshita bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của VAMA tới một số quy định hành chính trong Nghị định 116 do nghị định không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam: Tiếp tục tranh cãi nảy lửa, chưa có hồi kết

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ lắng nghe và tập hợp ý kiến doanh nghiệp để đưa ra giải pháp vào tuần tới. Ảnh: N.AN 

“Hậu quả là cho đến nay, hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1/1/2018 đến nay”- ông Toru Kinoshita nói.

Kế đó, Chủ tịch VAMA nêu bốn khó khăn lớn - là những quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu; biện pháp xử lý đối với những đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu xảy ra trước khi ban hành Nghị định 116 và quy định mới về đường chạy thử ô tô dành cho các nhà sản xuất trong nước.

Cũng theo ông Toru Kinoshita, một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp bởi những quy định này đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước. Điều này sẽ làm thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô  và với một số phân khúc ô tô có dung lượng nhỏ thì rõ ràng hoàn toàn không khả thi để tiến hành sản xuất trong nước.

Ông Toru Kinoshi phản ánh Nghị định 116 làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.

Sau Tết, Kia bất ngờ tăng giá loạt mẫu xe ‘hot’(VietQ.vn) - Một số mẫu xe của Kia điều chỉnh tăng giá bán trong tháng 2 này; mức giá tăng từ 4 - 20 triệu đồng tùy phiên bản và mẫu xe.

Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco - Trường Hải cho rằng, quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập khẩu là cần thiết. Theo đó, từ tháng 8-2017, Trường Hải nhận được thư ngỏ của BMW thì đến tháng 11-2017, Trường Hải mới được nhận là nhà phân phối. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã nhận được chứng nhận kiểu loại BMW cung cấp cho các mẫu xe của mình đưa về, trong đó có xe Mini của Anh.

"Giấy chứng nhận kiểu loại này như lý lịch của 1 chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền chứ không phải là nói bằng phương thức marketing của các hãng... Vì vậy, không cần loại bỏ quy định chứng nhận tiểu loại này mà nên chăng chỉ cần rà soát lại để thống nhất có một mẫu chứng nhận tiểu loại của Việt Nam cho phù hợp"- ông Trần Bá Dương kiến nghị.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam: Tiếp tục tranh cãi nảy lửa, chưa có hồi kết

 Thực hiện được 3 tháng, Nghị định 116 đã nhận được không ít phản ứng từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Ảnh minh họa

Theo đại diện doanh nghiệp này, cũng cần kiểm định khí thải đối với xe nhập khẩu vì có nhiều trường hợp, xe kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải nhưng xe nhập theo lô thì không. Ông Trần Bá Dương khẳng định không xin một ưu đãi gì cho doanh nghiệp sản xuất trong nước mà chỉ xin được làm giống nhau.

Đồng quan điểm này, ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc của Tập đoàn Thành Công cho hay: "Ở Việt Nam, xe ô tô là 1 loại tài sản lớn với người dân, là phương tiện tham gia giao thông. Nếu không có giấy chứng nhận kiểu loại hoàn toàn có thể đưa xe đến các trung tâm thử nghiệm quốc tế và khi đó xe đưa về Việt Nam, Cục đăng kiểm mới có căn cứ đánh giá xem xe có hồ sơ đó với với xe đưa ra kiểm nghiệm có đúng là 1 hay không".

Bên cạnh đó, đại diện Hyundai Thành Công cũng cho rằng, cần kiểm định theo từng lô vì không loại trừ cả các hãng lớn cũng có gian lận, trong khi các nhà sản xuất trong nước thì bị kiểm nghiệm từ thiết bị đến chiếc xe hoàn thiện.

Thực hiện được 3 tháng, Nghị định 116 đã nhận được không ít phản ứng từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài mà đáng kể nhất là các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ôtô tại Việt Nam như: Toyota, Honda đã bất ngờ thông báo ngưng mọi hoạt động xuất xe sang Việt Nam, do quy định mới về rào cản phi thuế quan của Nghị định 116.

Lý do hai hãng xe đưa ra là khó đáp ứng yêu cầu về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu và quy định kiểm tra tất cả các lô xe, thay vì chỉ kiểm tra lô đầu tiên như trước đây. Không xuất được xe sang Việt Nam, mới đây phía Indonesia cũng lên tiếng về những điều kiện chặt chẽ của Nghị định 116. Lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2018 cũng sụt giảm kỷ lục.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang