Pfizer và Moderna đội giá vaccine gấp 5 lần so với chi phí sản xuất

author 16:49 12/08/2021

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu, Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất mỗi liều vaccine Covid-19 với giá chỉ vỏn vẹn 1,2 USD. Tuy nhiên giá bán ra thị trường đã được đội lên gấp 5 lần so với mức giá sản xuất.

Cụ thể, báo chí Oxfam đưa tin, Pfizer/BioNTech và Moderna bán hơn 90% lượng vaccine của họ cho các nước phát triển. Các quốc gia đang phát triển gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vaccine của các hãng này.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của The People's Vaccine Alliance, với việc nhận tiền tài trợ nghiên cứu lên đến 8,3 tỷ USD từ chính phủ Đức và Mỹ, Pfizer/BioNTech và Moderna có thể sản xuất mỗi liều vaccine Covid-19 với giá chỉ vỏn vẹn 1,2 USD. Tuy nhiên, chương trình COVAX phải mua vaccine từ các công ty này với giá cao gấp ít nhất 5 lần con số trên.

Bên cạnh đó, COVAX cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna. Nguyên nhân được xác định là bởi các hãng dược này bán vaccine cho nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh với mức giá cao gấp hàng chục lần chi phí sản xuất.

Moderna và Pfizer tăng giá bán vaccine Covid-19 giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh hoạ 

Mới đây, Pfizer/BioNTech tăng 25% giá bán vaccine ở Liên minh châu Âu (EU) với mức giá từ 15,5 euro lên 19,5 euro. Tại Mỹ, giá loại vaccine này tăng từ 18,4 USD lên 23,15 USD. Giá vaccine Moderna ở châu Âu cũng được nâng lên 25 euro.

Theo The People's Vaccine Alliance, nếu các công ty dược không độc quyền nguồn cung vaccine và đẩy giá lên cao, số tiền COVAX đã chuyển cho họ đủ để giúp tiêm chủng đầy đủ toàn bộ dân số các nước có thu nhập thấp và trung bình. Với mức giá hiện nay, COVAX sẽ chỉ đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng ở các khu vực này vào khoảng 23% đến cuối năm nay.

Giám đốc Chính sách Y tế của Oxfam cho biết, các hãng dược đang cưỡng ép cả thế giới trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy. Đây có lẽ là một trong những vụ trục lợi lớn nhất lịch sử. Những khoản ngân sách quý giá lẽ ra phải được dùng để củng cố hạ tầng y tế ở các nước nghèo. Tuy nhiên, chúng lại đang chảy vào túi các CEO và cổ đông của các tập đoàn dược phẩm đầy quyền lực. 

Báo cáo tài chính của Moderna cho thấy, hãng dược này đạt doanh số gần 6 tỷ USD từ vaccine Covid-19 trong nửa đầu năm và lợi nhuận ròng 4 tỷ USD. Hãng đã ký các hợp đồng cung cấp vaccine trị giá 20 tỷ USD trong năm nay. Dự kiến Moderna sẽ cung cấp 1 tỷ liều trong năm nay và từ 2 cho đến 3 tỷ liều cho năm sau.

Nhờ độc quyền vaccine và nâng giá ồ ạt, các công ty dược kiếm lãi khổng lồ trong năm nay. Theo báo cáo của Guardian, Pfizer đạt doanh số 11,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nhờ vaccine Covid-19. Hãng nâng dự báo doanh số cả năm lên 33,5 tỷ USD. BioNTech dự kiến đạt doanh số gần 18,7 tỷ USD trong năm nay. Lợi nhuận ròng nửa năm đầu đạt gần 4,7 tỷ USD , vượt xa con số 166,7 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ doanh số khổng lồ, giá cổ phiếu các công ty dược trên tăng vọt. Hiện giá cổ phiếu BioNTech đang dao động ở mức gần 360 USD, vượt xa con số 100 USD hồi tháng 3/2020. Ngày 10/8, giá cổ phiếu Pfizer tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm, ở vùng 48,25 USD. 

Tương tự, trong một năm qua, giá cổ phiếu Moderna tăng tới hơn 450%, hiện đang ở mức 378,8 USD. Giá trị vốn hóa công ty theo đó tăng vọt lên 155 tỷ USD.

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vaccine vẫn là vũ khí được toàn nhân loại trông chờ. Đến nay đã có gần 100 loại vaccine đang được các nhà nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người, trong đó có 32 loại đạt đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và ít nhất 77 loại vaccine tiền lâm sàng đang được thử nghiệm tích cực trên động vật.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 9/8/2021, VNVC đã đưa về Việt Nam 4.387.100 liều vaccine Covid-19 theo Hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và hãng dược VNVC. Toàn bộ vaccine đã được VNVC lập tức chuyển giao cho Bộ Y Tế theo nguyên tắc phi lợi nhuận nhằm kịp thời triển khai tiêm chủng cho nhân dân. Sắp tới, hàng chục triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca sẽ được VNVC khẩn trương mang về Việt Nam, đáp ứng khẩn cấp nhu cầu phòng chống dịch đang trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Không dừng lại ở đó, VNVC sẽ tiếp tục cố gắng tìm kiếm những nguồn vaccine chất lượng cao, kịp thời mang về cho đất nước, góp phần đẩy lùi đại dịch.

Trên thế giới, dự kiến trong năm 2021 nhu cầu vắc xin Covid-19 sẽ vượt xa khả năng cung ứng, hầu hết các quốc gia đã tập trung đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho nhóm người thuộc có nguy cơ mắc bệnh lớn, dễ tổn thương nhất khi mắc bệnh, đặc biệt là cán bộ y tế tuyến đầu và người cao tuổi từ 60, 70 tuổi trở lên.

Tính đến đầu tháng 8/2021, toàn bộ 11 nước ở khu vực Đông Nam Á đã triển khai tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, Singapore dẫn đầu về tỷ lệ người được tiêm ít nhất một mũi, với tổng số liều tiêm hiện là 7.831.520, tỷ lệ tiêm đang ở mức 76%. Tiếp theo là Campuchia với 13.393.448 liều tiêm, đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin là 48%. Malaysia với 23.608.290 liều tiêm, đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin là 48%. So với mặt bằng chung những quốc gia trên thế giới và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở mức khá thấp, với 8.061.116 tổng số liều tiêm và 7.5% tỷ lệ người được tiêm 1 mũi (tính đến ngày 09/08/2021).

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán với các quốc gia khác, nhằm tiếp cận nhanh nhất nguồn vaccine phòng Covid-19. Sáng 3/6/2021, Bộ Y tế cho biết hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm 2021.

Hiện công tác đàm phán vẫn đang được đẩy mạnh nhằm cung ứng cho người dân Việt Nam nguồn vaccine tốt nhất, chất lượng nhất, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Theo đó, ngoài vaccine AstraZeneca (Vương Quốc Anh), trong năm nay Việt Nam đã đàm phán với các hãng để nhập về thêm 5 triệu liều vaccine Moderna, 31 triệu liều vaccine Pfizer và 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga. 

Tính đến nay, số liệu tiêm chủng vaccine ở Việt Nam và thế giới khá khả quan. Nhưng ngay cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng lý tưởng 60-75%, người dân không được chủ quan, những nước đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng như UAE, Bahrain, Israel vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khoảng cách và khử khuẩn. Người dân cần hiểu rõ, vaccine không tạo miễn dịch ngay sau khi được tiêm vào, nên các biện pháp bảo vệ khác được khuyến cáo vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt.

Diệu Hương (T/h

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang