Những hiểu lầm về vaccine Covid-19 khiến nhiều người do dự tiêm phòng

author 09:55 08/08/2021

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, hiện nay khá nhiều người dân nghĩ rằng vaccine Covid-19 không an toàn nhưng đây đều là suy nghĩ sai lầm.

Suốt thời gian qua, cả thế giới lao đao do đại dịch Covid-19 hoành hành. Để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, nhiều quốc gia đã dốc sức đầu tư vào nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19. Sau nhiều nỗ lực chạy đua với thời gian, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới hiện có hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 với hàng chục quốc gia đang tham gia, tạo thành "cuộc đua" toàn cầu.

Tại Nga, công tác nghiên cứu điều chế vaccine ngừa Covid-19 được đẩy mạnh từ tháng 3/2020, với hai đầu tàu nghiên cứu là Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học quốc gia mang tên Gamalei và Trung tâm nghiên cứu virus sinh học và công nghệ sinh học quốc gia (Vector). Chỉ sau 5 tháng nghiên cứu với kết quả thử nghiệm vaccine cho thấy sự phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao, khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm, tháng 8/2020, Bộ Y tế Nga cấp phép cho vaccine phòng ngừa Covid-19 có tên gọi “SPUTNIK-V”.

Điều này đã đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19. Đầu tháng 12/2020, Nga tiếp tục trở thành nước đi đầu triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đại trà cho người dân thông qua hệ thống 70 cơ sở y tế. Không chỉ mang lại sự an toàn cho công dân của mình, vaccine SPUTNIK-V do Viện Gamaleya phát triển đã thu hút sự chú ý của toàn cầu và nhận được các đơn đăng ký đặt mua hơn 1 tỷ liều từ 20 quốc gia, trong đó Mỹ Latinh, Trung Đông và các nước Châu Á quan tâm mua nhiều nhất.

Là quốc gia khởi đầu của dịch bệnh Covid-19 và xem phát triển vaccine Covid-19 như một "nhiệm vụ chính trị” quan trọng, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu phát triển vacxin từ tháng 01/2020, khi công bố dữ liệu về trình tự gene của nCoV (tên gọi đầu tiên của SARS-CoV-2). Đến tháng 7/2020 Trung Quốc là một trong những ứng viên dẫn đầu cuộc đua của thế giới để tìm kiếm vaccine phòng, chống Covid-19, đến nay đã có 4 loại vaccine đang được thử nghiệm giai đoạn 3 (thử nghiệm lâm sàng trên người). Đầu tháng 2/2021, Cơ quan Quản lý dược phẩm Trung Quốc tiếp tục phê duyệt cho tiêm chủng đại trà đối với vắc xin covid-19 CoronaVac của Hãng dược Sinovac.

Nhiều hiểu lầm về vaccine Covid-19 không an toàn. Ảnh minh họa

Ở Mỹ vào tháng 5/2020, chính quyền nước này đã phát động Chiến dịch thần tốc (Warp Speed) có ngân sách là hơn 18 tỉ USD, để hỗ trợ tìm ra vaccine trước tháng 10/2020. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine xuống còn 8 tháng bằng cách kết hợp 3 lực lượng là các công ty dược phẩm, cơ quan chính phủ và quân đội.

Chiến dịch này được đánh giá là vô cùng tham vọng do loại vaccine mới thường mất nhiều năm để phát triển. Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào cuộc đua sản xuất vacxin ở Mỹ, trong đó nổi lên là tập đoàn dược phẩm Pfizer. Nhờ có sự hỗ trợ hậu cần và cắt giảm thủ tục của chính quyền Mỹ, Tập đoàn này Pfizer đã bắt tay với công ty Công nghệ sinh học BioNtech (Đức) nghiên cứu thành công vacxin Pfizer/BioNTech có hiệu quả 95% trên người. Với kết quả này, Mỹ và hàng loạt quốc gia châu Âu như Anh, Canada… đã đặt hàng, cho cấp phép sử dụng vaccine của liên danh Pfizer/BioNTech và triển khai chương trình khởi động tiêm chủng toàn quốc vào cuối tháng 12/2020.

Thời gian qua, bên cạnh cái “bắt tay” giữa Tập đoàn Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNtech (Đức), thế giới còn được chứng kiến sự hợp tác của hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế. Việc Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phấm y tế của Anh (MHRA) phê duyệt cho sử dụng vaccine AstraZeneca/Oxford những ngày cuối cùng của năm 2020 và triển khai tiêm phòng trên toàn nước vào đầu tháng 1 vừa qua được xem như thành công lớn của nền khoa học nước này trong cuộc chạy đua với Covid-19.

Trong cuộc đua nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19, Việt Nam cũng chứng tỏ sự tự lực, tự cường trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử. Từ tháng 3/2020, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã khảo sát tính sẵn sàng của các đơn vị sản xuất vaccine trong nước và đề nghị các đơn vị đề xuất phương án nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19. Tính đến nay, Việt Nam có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau là: Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Viện vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

Tính đến nay, nhiều loại vaccine đã được cấp phép trên toàn thế giới như: Sputnik V (Nga), Pfizer/ BioNTech, Novavax, Johnson & Johnson, Moderna, Inovio (Mỹ), Covaxin (Ấn Độ), Oxford/AstraZeneca (Anh), Sinovac, Sinopharm (Trung Quốc)... Dù vậy, theo thống kê của Tổ chức Gia đình Kaiser (Mỹ), khoảng 14% người Mỹ cho biết sẽ không tiêm phòng, 10% chờ xem vaccine hoạt động như thế nào ở những người khác và 3% chỉ tiêm nếu bắt buộc. Nguyên nhân khiến một bộ phận người Mỹ do dự tiêm phòng chính là do bắt nguồn từ thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn. 

Vaccine không an toàn vì chúng được tạo ra trong thời gian ngắn

Các nhà khoa học đã nghiên cứu protein gai của virus corona cách đây gần 20 năm khi tìm kiếm một loại vaccine tiềm năng để phòng ngừa SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng). Phát hiện này cùng công nghệ phát triển trong những năm gần đây đã rút ngắn quá trình tạo ra vaccine Covid-19.

Ngoài ra, khâu sản xuất cũng góp phần đẩy nhanh quá trình này. Sau những kết quả ban đầu hứa hẹn, vaccine được sản xuất quy mô lớn, song song với thử nghiệm, trước khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12/2020.

Các nghiên cứu thực tế cũng cho thấy vaccine có hiệu quả cao như kết quả trong thử nghiệm lâm sàng. Một nghiên cứu do Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) công bố tháng 6 cho thấy hai liều vaccine Pfizer có thể ngăn ngừa 88% triệu chứng Covid-19 và 96% nguy cơ nhập viện ở người nhiễm biến thể Delta.

Nghiên cứu cũng chỉ ra vaccine Pfizer có thể ngăn nguy cơ nhiễm biến thể này tới 80%. Kết luận được các nhà khoa học đưa ra sau khi phân tích 14.019 trường hợp nhiễm nCoV ở Anh, trong đó chỉ 166 người phải nhập viện. Ngoài ra, dữ liệu thực tế tháng 5 của PHE chỉ ra hai liều vaccine AstraZeneca giảm nguy cơ nhập viện vì biến thể Delta tới 92%.

Hàng nghìn người đã chết vì tiêm vaccine

Điều này là sai. Các trường hợp tử vong được ghi nhận trên Hệ thống Báo cáo Tác dụng phụ Bất lợi của Vaccine (VAERS) chưa được xác minh. Tất cả mọi người đều có thể báo cáo lên hệ thống khi nghi ngờ các phản ứng phụ của vaccine. Sự tiếp cận rộng rãi này dẫn đến tình trạng dữ liệu không đúng với thực tế.

Ngoài ra, khi xem xét báo cáo, các chuyên gia không tìm thấy bằng chứng về các ca tử vong trên diện rộng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng do vaccine gây ra.

Vaccine chỉ đang thử nghiệm và không được kiểm tra kỹ lưỡng

Đây là nhận định sai lầm. Cả 3 loại vaccine được phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ đã trải qua thử nghiệm lâm sàng với hàng chục nghìn người tham gia. Vaccine cũng được đánh giá bởi các chuyên gia độc lập khác trong ngành. Tất cả nghiên cứu cho thấy vaccine an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nghiêm trọng và nguy cơ tử vong do Covid-19.

Miễn dịch tự nhiên luôn mạnh hơn miễn dịch do vaccine

Điều này chỉ đúng một phần. Miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài lâu hơn miễn dịch do tiêm chủng, nhưng nó phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh. Ví dụ, vaccine uốn ván mang lại khả năng miễn dịch mạnh hơn so với việc mắc bệnh. Nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine Covid-19 cung cấp sự bảo vệ nhất quán và an toàn hơn so với việc mắc Covid-19.

Vaccine không an toàn cho thai phụ

Các thử nghiệm vaccine Covid-19 không bao gồm phụ nữ mang thai. Nghiên cứu sơ bộ được tiến hành kể từ khi thử nghiệm không tìm thấy vấn đề về an toàn ở thai phụ tiêm vaccine, dù các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu thêm. Vaccine Covid-19 không chứa virus sống, nên chúng không gây nguy hiểm cho thai nhi đang lớn. Phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa Covid-19, do họ có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.

Theo nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế Anh công bố hôm 3/8, khoảng 52.000 thai phụ tại Anh được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna, đến nay chưa phát sinh vấn đề đáng lo ngại nào về độ an toàn. Tương tự, khoảng 130.000 phụ nữ mang thai tại Mỹ cũng được tiêm chủng an toàn với hai loại vaccine trên.

Vaccine làm biến đổi DNA

Điều này là sai. Vaccine Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) để hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein gai của nCoV, từ đó sinh miễn dịch. Vì mã mRNA trong vaccine không giống DNA trong tế bào người, nó không thể được kết hợp và làm thay đổi gene. Một thời gian ngắn sau khi tiêm chủng, các phân tử mRNA này sẽ phân rã và không ở lại trong cơ thể.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang