Phát hiện cơ sở làm giả sữa milo trị giá 1,4 tỷ đồng

author 15:28 17/03/2015

(VietQ.vn) - Malaysia vừa phát hiện bột sữa milo giả có trị giá hơn 1,4 tỷ đồng, bắt 6 công nhân nhập cư từ Myanmar và Indonesia vì liên quan đến vụ việc sữa giả.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Báo Thanh niên đưa tin tức theo tờ Utusan Malaysia, trong cuộc bố ráp vào ngày 13/3 do Bộ Thương mại, hợp tác và tiêu dùng nội địa tiến hành tại thị trấn Mantin, nhà chức trách đã thu giữ lượng bột Milo giả trị giá 250.000 ringgit (hơn 1,4 tỉ đồng). Ngoài ra, 1.000 hộp rỗng, 50.000 túi nhựa rỗng và một số thiết bị in ấn đã bị tịch thu.

Trang Malay Mail cũng đưa tin 6 công nhân nhập cư từ Myanmar và Indonesia bị bắt tại chỗ. Ngay sau vụ việc, Nestle Malaysia lập tức thông qua trang Facebook của công ty để đưa ra chỉ dẫn và hình ảnh giúp phân biệt sản phẩm Milo giả và thật. “Bao bì Milo chính hiệu được đóng gói và cắt bằng máy. Vì vậy, đường rìa trên bao sản phẩm thật không có răng cưa như hàng giả”.

Cơ sở làm sữa milo giả bị phanh phui với số lượng hơn 1,4 tỷ đồng

Phân biệt sữa milo giả hay thật nhờ bao bì. Ảnh Thanh Niên

Cũng liên quan đến việc làm sữa giả, ngày 26/6/2014, các trinh sát CSĐT đã phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra nhà không số thuộc tổ 7, ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, Tp.HCM. Tại hiện trường, trinh sát phát hiện 19 bao sữa bột không rõ nguồn gốc, 22 bao đường hóa học, 8 bao bột sữa NDC đều có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Đồng thời, cũng phát hiện một hệ thống máy trộn sữa, máy ghép, hàn, cắt lon sữa và khoảng 80kg nhãn mác sữa (in tên các hiệu sữa Pigo, Gina Milk Canxi, Gina Milk… sữa Australia gầy).

Ngoài lượng sữa nguyên liệu ra, các trinh sát còn phát hiện 1.156 lon và hộp sữa các hiệu Pigo, Physogrow, Gina Milk, trong đó có nhiều lon đã hết hạn sử dụng. Tại CQĐT, các trinh sát khai thác và phát hiện thêm 642 lon sữa thành phẩm khác, in các nhãn hiệu Pigo, Physogrow, Gina Milk tại một căn nhà khác của chủ xưởng.

Theo lời khai của Phước, quy trình sản xuất sữa rất đơn giản: Sau khi có các nguyên liệu, Phước cho đường ngọt, đường lạt, bột sữa, bột béo vào máy trộn đều rồi đóng gói và tự mình dán tên các hãng sữa có thương hiệu lên lon. Khi hoàn thành sản phẩm, Phước lên mạng quảng cáo là sữa “cao cấp” để tiêu thụ trên thị trường ở TPHCM và các tỉnh lân cận, theo Kinh doanh và Pháp luật.

Phương Khanh (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang